Khai thác sử dụng bền vững cây bá bệnh

ThienNhien.Net – Cây bá bệnh hay bách bệnh, mật nhân có tên khoa học <i>Enrycoma Longifolia Jack</i>, từ lâu đã được các nước Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Bru-nei, Thái Lan, Cam-pu-chia, Lào…. sử dụng như một thứ nhân sâm và được coi là một dược liệu quý. Ở Việt Nam tại Vườn quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh) các nhà khoa học đã tìm thấy loài cây này từ năm 2000 với số lượng lớn và được phân bố rất rộng trong khu vực. Đến năm 2006 các nhà khoa học ở Đại học Dược Hà Nội nghiên cứu và công bố cây bá bệnh ở Việt Nam có tác dụng dược lý không kém, có phần vượt trội so với xuất xứ từ các nước khác.


Tại Vườn quốc gia Bái Tử Long loại cây này cao tới 15m, lá kép tập trung đầu cành, lá chét rất ngắn gần như không cuống, mọc đối, mặt trên xanh bóng, mặt dưới trắng mốc, cuống lá kép màu nâu đỏ, cụm hoa hình chùm tán mọc ở ngọn; hoa và quả bao phủ đầy lông màu đỏ nâu, quả hình trứng hơi dẹt có rãnh giữa, khi chín màu vàng đỏ chứa 1 hạt có nhiều lông ngắn.

Theo Tiến sỹ Trần Văn Ơn – Chủ nhiệm Bộ môn Thực vật trường Đại học Dược Hà Nội, cây bá bệnh ở Việt Nam có tác dụng tăng cường sức khoẻ tình dục cho nam giới, kích thích cơ thể tăng tiết hoocmon giới tính nam (Testosteron) một cách tự nhiên, chính là chìa khoá duy trì sự hưng phấn và phong độ tình dục ở nam giới, khắc phục hữu hiệu tình trạng suy giảm sức khỏe xảy ra khá phổ biến khi người đàn ông bước vào độ tuổi trung niên, với hàng loạt biểu hiện như: giảm sự ham muốn, chất lượng sinh hoạt tình dục suy yếu, xuất tinh sớm….thường gọi là chứng yếu sinh lý hay chứng bất lực.


Cành và chùm hoa cây bá bệnh. (Ảnh: VQG Bái Tử Long)

Tuy nhiên tác dụng vượt trội của cây bá bệnh đã được chứng nhận và công bố rộng rãi với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trên thế giới và ở Việt Nam là chữa nhiều thứ bệnh như khí huyết kém (biểu hiện người mệt mỏi, lười hoạt động, thiếu máu), ăn uống không tiêu, no hơi, đầy bụng, chữa tức ngực, nghẹn, khó thở, gân xương yếu mỏi, chân tay tê nhức, nôn mửa, tá lỵ, tứ thời cảm mạo (cảm ho thể phong hàn hay phong nhiệt cả 4 mùa trong năm), say rượu, tẩy giun, chữa đau bụng kinh của phụ nữ….

Với giá trị dược lý rất quý, cây bá bệnh đã được tìm kiếm và sử dụng ở Việt Nam trong một số năm gần đây. Hiện nay cây bá bệnh được sử dụng để sắc thuốc uống, ngâm rượu, cô thành viên (khang dược) được bán tại các hiệu thuốc trên toàn quốc. Tại Việt Nam cây bá bệnh cũng là vị thuốc chính trong bài thuốc “Ông uống bà khen” danh bất hư truyền của các Vua Voi huyền thoại vùng Tây nguyên.

Do giá trị quý của cây bá bệnh hiện nay đã được nhiều người biết đến; việc khai thác săn lùng diễn ra ở mọi nơi không được quản lý và hướng dẫn một cách khoa học. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc quản lý khai thác và sử dụng cây bá bệnh một cách bền vững.

Từ khi phát hiện ra cây bá bệnh được phân bố trong khu vực Vườn quốc gia Bái Tử Long, trong mấy năm trở lại đây, Ban lãnh đạo vườn đã đề xuất đề tài nhân giống loài cây này và đã được Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Ninh chấp thuận.

Đến nay, Vườn quốc gia Bái Tử Long đã thực hiện thành công việc nhân giống và trồng thử nghiệm loài cây bá bệnh bằng hai phương pháp giâm hom và gieo hạt. Quy trình tạm thời gieo ươm và trồng cây bá bệnh bước đầu đã thành công, mở ra hướng phát triển bền vững và lâu dài cho loại tài nguyên này.


Quả và hạt bá bệnh được thu hái phục vụ gieo ươm, nhân giống. (Ảnh: VQG Bái Tử Long)

Các nhà khoa học cũng đang tiếp tục những đề tài khoa học phân tích tác dụng dược lý của loài cây này, để đưa ra những hướng dẫn chiết xuất, ứng dụng giá trị của cây thuốc quý, mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Có thể nói, việc tìm thấy cây Bá Bệnh tại Vườn quốc gia Bái Tử Long nói riêng và của Việt Nam nói chung là tin vui đối với nền Đông dược Việt Nam.