Đề xuất bán ngà voi của Tanzania có thể ảnh hưởng Việt Nam

ThienNhien.Net – Nửa tháng sau công bố của Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động vật hoang dã (TRAFFIC) rằng tình hình buôn lậu ngày voi trên thế giới tăng mạnh năm 2009, Tanzania vẫn tiếp tục đàm phán với Ủy ban Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài Động Thực vật Nguy cấp (CITES) để được phép tung ra thị trường lượng ngà voi tồn kho.


Buôn lậu ngà voi tăng mạnh năm 2009

Bộ trưởng Bộ Du lịch và Tài nguyên, Shamsha Mwangunga, trong một cuộc họp báo tuần trước cho biết chính phủ vẫn đang thương lượng với CITES để được phát mại số ngà voi tồn kho. Ông nói: “Mặc dù rất tôn trọng CITES, chúng tôi vẫn muốn xử lý kho ngà voi hiện có…”. Ông cũng thừa nhận rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm có thể làm gia tăng các hoạt động săn trộm ở những nước có số lượng voi lớn.

Giám đốc phụ trách Động vật Hoang dã, thuộc Bộ Du lịch và Tài nguyên Tazania, Erasmus Tarimo, giải thích rằng nếu đề nghị của Tanzania được chấp thuận, nguồn lợi nhuận từ việc chuyển nhượng ngà voi sẽ được dùng để bảo tồn quần thể voi của quốc gia. Ông cũng nhấn mạnh rằng ngà voi đem bán là từ những con voi già hoặc những con voi bị giết hợp pháp.

Ông Tarimo từ chối tiết lộ số lượng ngà voi hiện có, song người ta biết rằng Tanzania có khoảng 90 tấn ngà voi.

Năm 1989, CITES ban hành lệnh cấm mua bán ngà voi, một động thái nhằm chống lại sự tàn sát đàn voi ở mức độ chưa từng có. Suốt thập niên 80, ước tính đã có khoảng 100.000 con voi mỗi năm bị giết bởi tay bọn săn trộm.

Tuy nhiên, các chuyên gia từ 9 nước Nam & Đông Phi bao gồm Tanzania, Botswana, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Swaziland, Zambia và Zimbabwe, là thành viên của Cộng Đồng Phát Triển 14 nước Nam Phi (SADC) đã khuyến cáo chính phủ họ nên tung ra lượng ngà voi tồn kho.

Các chuyên gia cũng đề nghị chuyển đàn voi từ những vùng có số lượng đông đảo đến các quốc gia và khu vực có lượng voi ít hơn. Tuy nhiên, những đề nghị này đã bị các ý kiến chỉ trích gay gắt vì cho rằng việc này sẽ khuyến khích nạn săn trộm ở các quốc gia có đàn voi đang gặp nguy hiểm.

Cùng với các quốc gia Đông Phi, Kenya đang kêu gọi cấm hoàn toàn việc mua bán ngà voi, trong khi Tanzania cùng với Zimbabwe, Zambia, Nam Phi, Mozambique, Malawi, Namibia và Botswana lại đang kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm.

Đề xuất của Tazania nếu được thông qua rất có thể ảnh hưởng tới tình hình buôn lậu ngà voi ở Việt Nam. Còn nhớ đầu tháng 03 năm nay, hải quan Hải Phòng kiểm tra và phát hiện container mang số hiệu ECMU 1721884 chứa hơn 6 tấn ngà voi nhập lậu. Số ngà này được xác định xuất từ cảng Dares salaam (Tanzania) từ cuối tháng 01/2009, sau đó trung chuyển qua một cảng biển của Malaysia. 6 hải quan Tazania đã bị tạm giam ngay sau đó vì bị nghi có liên quan. Cảnh sát quốc tế đã phải nhập cuộc để truy tìm nguồn gốc lô hàng. 

Theo báo cáo của TRAFFIC, Việt Nam là một trong những nơi có giá ngà voi buôn bán trái phép cao nhất. Luật pháp Việt Nam cấm buôn bán ngà voi từ năm 1992, song hoạt động giao dịch ngà voi từ trước khi có lệnh cấm vẫn được cho phép. Đây là một kẽ hở lớn rất có thể bị những kẻ buôn lậu lợi dụng.