Lý do các động vật hoang dã lớn trên Trái Đất tuyệt chủng thần tốc

Tổ tiên của chúng ta khiến cho rất nhiều loài động vật tuyệt chủng, không chỉ những loài động vật ở châu Úc và châu Mỹ mà còn trên toàn thế giới.

Sự tuyệt chủng của voi ma-mút đã ảnh hưởng tới rất nhiều loài động vật và cây cối khác. Nguồn: wall.alphacoders.

Chúng ta chỉ thấy voi ma-mút biến mất ở châu Mỹ, nhưng chúng cũng bị xoá sổ ở châu Âu và châu Á, nơi chúng từng sống suốt hàng triệu năm. Đến khoảng 10.000 năm trước, không còn con voi ma-mút nào sống sót ở bất cứ đâu, ngoài một vài hòn đảo nhỏ ở miền bắc lạnh giá.

Một trong số những hòn đảo này, đảo Wrangel, nằm ở Bắc Băng Dương cách bờ biển Siberia khoảng 150 km về phía bắc. Đó là một vùng đất lạnh cực độ. Ngay cả sau khi người Sapiens tới Siberia, họ không thể đặt chân tới được Wrangel, vì vậy loài voi ma-mút tiếp tục sống bình yên tại hòn đảo Wrangel suốt hàng nghìn năm sau khi chúng biến mất tại châu Mỹ, châu Âu và châu Á. Nhưng khoảng 4.000 năm trước, một số người Sapiens cuối cùng đã tới được đảo Wrangel, và không lâu sau đó, chẳng còn một con voi ma-mút nào trên thế giới nữa.

Sự tuyệt chủng của voi ma-mút đã ảnh hưởng tới rất nhiều loài động vật và cây cối khác. Đó cũng là một quy luật quan trọng nữa của cuộc sống: động vật và thực vật phụ thuộc lẫn nhau, vì vậy nếu điều gì đó xảy ra với một loài sinh vật, thì nó thường cũng ảnh hưởng tới nhiều sinh vật khác. Quy luật này thậm chí cũng áp dụng với bạn. Bạn ảnh hưởng tới rất nhiều con vật và cây cối ở khu vực mà bạn sống. Có thể bạn giẫm lên cỏ dại trên đường đi tới bến xe buýt.

Có thể bạn cũng ăn bánh quy trên đường tới bến xe buýt, và để lại một vệt dài vụn bánh mà kiến và chim sẻ tìm đến để ăn. Có thể bạn dọn sạch mạng nhện khỏi trần phòng mình. Vì vậy khi bạn chuyển sang một thành phố khác, cỏ dại và nhện chắc hẳn sẽ rất vui, nhưng kiến và chim sẻ thì lại không thích thú chút nào. Điều này có thể xảy ra trên diện rộng hơn nhiều với mọi loài động vật.

Ví dụ, hãy nghĩ về con ong. Ong bay từ bông hoa này tới bông hoa khác, và đó là cách hoa thụ phấn để tạo ra hạt giống. Nếu một thảm họa nào đó giết hết loài ong, thì hoa sẽ không thể nào phát tán phấn hoa và tạo ra hạt giống nữa. Nếu không còn hạt giống nào, sẽ chẳng thể có thêm cây mới. Nếu không có cây, thì tất cả động vật ăn lá cây – như là thỏ – sẽ chết. Nếu không có thỏ, thì mọi loài động vật ăn thỏ – như là cáo – cũng sẽ chết. Đó là lý do sự tuyệt chủng của một loài động vật có thể ảnh hưởng tới rất nhiều loài khác. Nếu bạn giết hết ong, loài cáo cũng sẽ chết.

Voi ma-mút rất quan trọng đối với nhiều loài cây cối và động vật khác. Khi còn voi ma-mút, khí hậu ở các vùng phía bắc của cực bắc lạnh hơn, nhưng những nơi này vẫn có nhiều động thực vật hơn so với ngày nay. Vì sao vậy? Tất cả là nhờ voi ma-mút. Vào mùa đông, khi mọi thứ đều bị che phủ bởi băng tuyết, voi ma-mút đóng vai trò như những cái cào tuyết vậy. Chúng dùng sức mạnh khủng khiếp và những chiếc ngà khổng lồ để cày xuyên qua tuyết và để lộ lớp cỏ bị che phủ ở dưới. Chúng ăn một phần cỏ, nhưng số còn lại vẫn đủ nuôi sống các loài động vật nhỏ hơn như thỏ Bắc Cực.

Và những con thỏ Bắc Cực bị cáo tuyết ăn thịt. Khi mùa xuân đến, gần như tất cả cỏ bị đóng băng đã được ăn hết, để lại mặt đất trống trơn. Đây là một điều rất tốt, bởi vì khi mặt trời bắt đầu làm ấm lại Trái Đất, các cây mới có thể mọc ngay lập tức, và những cái cây này cung cấp thức ăn cho động vật.

Khi loài voi ma-mút bị tuyệt chủng, không còn động vật nào đủ khỏe mạnh để cày xới tuyết vào mùa đông và làm lộ ra cây cỏ nữa. Vì vậy những động vật khác không có gì để ăn. Và bởi vì không con vật nào ăn lớp cỏ đông đá, rất khó để những cây mới mọc lên khi mùa xuân đến. Chúng bị đè dưới lớp cỏ đã chết của năm trước.

Vậy là giờ còn ít đồ ăn hơn cho động vật. Thế nên khi loài ma-mút biến mất, thỏ Bắc Cực và cáo tuyết cũng điêu đứng theo.

Người Sapiens không hề biết về việc này. Vấn đề của người Sapiens không phải là họ độc ác; mà là họ quá giỏi trong những việc mà họ làm. Khi họ bắt đầu săn voi ma-mút, họ làm tốt đến nỗi không con voi ma-mút nào sống sót nổi. Vậy nên họ bắt đầu săn nai sừng xám. Nhưng họ cũng giỏi săn nai sừng xám, vì thế rất nhanh sau đó nai sừng xám cũng biến mất.

Khi các nhà khảo cổ học đào xuống mặt đất, họ tìm được câu chuyện giống hệt nhau ở khắp nơi trên thế giới. Ở rất sâu dưới mặt đất, họ tìm được bằng chứng về rất nhiều loài động vật khác nhau, nhưng không có bằng chứng về người Sapiens. Đào lên trên một chút, họ tìm thấy những dấu vết đầu tiên của người Sapiens: có thể là một cái xương người, một chiếc răng, hoặc một mũi lao.

Và ở nơi nông hơn nữa là một lớp với rất nhiều thứ của con người còn sót lại, nhưng không có dấu vết của động vật từng sống ở đó. Vì vậy bước một là: rất nhiều động vật, không có người Sapiens. Bước hai: người Sapiens xuất hiện. Bước ba: rất nhiều người Sapiens, và không còn động vật nữa.

Điều này xảy ra ở châu Úc. Nó xảy ra ở châu Mỹ, châu Á, châu Âu. Và nó xảy ra gần như trên mọi hòn đảo mà con người phát hiện ra… giống như hòn đảo Madagascar.

Trong hàng triệu năm, hòn đảo này bị cô lập khỏi thế giới, nên một số loài động vật độc đáo đã tiến hóa ở đó. Trong số này có vượn cáo khổng lồ, chúng có thể to hơn cả khỉ đột. Có thể cũng tồn tại loài chim lai với voi trông gần giống đà điểu khổng lồ, chúng không thể bay, chúng cao 3 mét, và nặng khoảng gần nửa tấn.

Chúng là loài chim lớn nhất thế giới – không phải là những loài chim bạn thường thấy ở sân sau nhà mình. Những loài chim lai voi và vượn cáo khổng lồ này, cùng với những động vật lớn khác ở Madagascar, bỗng nhiên biến mất vào khoảng 1.500 năm trước – cùng lúc những con người đầu tiên đặt chân đến hòn đảo.

Những thảm họa tương tự xảy ra ở hầu hết mọi hòn đảo từ Thái Bình Dương cho đến biển Địa Trung Hải. Ngay cả trên những hòn đảo nhỏ nhất, các nhà khảo cổ học vẫn tìm thấy bằng chứng về các loài chim, côn trùng và ốc sên đã sống ở đó hàng nghìn năm, nhưng bỗng nhiên biến mất khi những con người đầu tiên xuất hiện.

Chỉ có một vài hòn đảo xa xôi là cho đến ngày nay vẫn chưa bị con người đặt chân tới, và ở đó vẫn còn vài loài động vật hay ho sinh sống. Ví dụ nổi tiếng nhất là quần đảo Galapagos, là nơi cư ngụ của loài rùa khổng lồ. Cũng như những con diprotodon ở châu Úc, những con vật khổng lồ này không sợ người.

Có thể, nếu chúng ta đều hiểu rằng đã có bao nhiêu loài động vật bị con người đẩy đến bờ vực tuyệt chủng, ta sẽ gắng sức hơn để bảo vệ các động vật còn sống. Nếu không cẩn thận, chúng ta cũng sẽ xoá sổ sư tử, voi, cá heo và cá voi hệt như cách mà tổ tiên của ta đã xoá sổ loài voi ma-mút và diprotodon. Động vật lớn duy nhất còn sót lại trên thế giới sẽ là con người – cộng với thú cưng và vật nuôi trong trang trại của chúng ta. Sẽ không còn loài động vật hoang dã to lớn nào nữa.

Nguồn: