Phát triển điện hạt nhân do nhu cầu năng lượng

ThienNhien.Net – Vai trò quan trọng của điện hạt nhân đối với cán cân năng lượng của Việt Nam trong thế kỷ 21 sẽ sáng tỏ khi xem xét những nguồn năng lượng mà chúng ta hiện có. Đây là ý kiến mà lãnh đạo các cơ quan liên quan đã đưa ra tại buổi Tọa đàm do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 21/11, nhằm làm rõ các vấn đề dư luận đang quan tâm về dự án Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.


Thời điểm để phát triển điện hạt nhân

Dưới góc độ nhà khoa học làm quản lý, ông Lê Văn Hồng – Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng, việc xác định đúng thời điểm để phát triển điện hạt nhân hay chưa tùy thuộc vào nhu cầu năng lượng của đất nước.

Theo ông Hồng, các chuyên gia năng lượng đầu ngành trên thế giới cũng khẳng định, công nghệ hạt nhân là một công nghệ quan trọng, dù việc làm chủ công nghệ này đi liền với nhiều thách thức.

Ông Tạ Văn Hường – Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương nhìn nhận, dự báo cho thấy chỉ 7 – 8 năm nữa Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng, trong đó có nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân.

Qua tính toán sơ bộ, điện hạt nhân trong tương lai sẽ cạnh trạnh được với dầu, than nhập khẩu từ một số nước, vừa xa xôi vừa đắt đỏ. Và muốn phát triển mạnh mẽ năng lượng điện thì bắt buộc phát triển điện hạt nhân, ông Hường khẳng định.

Để đưa ra dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, một chương trình phát triển lâu dài đã được Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu cùng với sự hỗ trợ của tư vấn nước ngoài quy hoạch các địa điểm xây dựng.

Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, dự án điện hạt nhân trong tương lai sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn hơn so với những dự án điện khác mà chúng ta đang thực hiện. Ví dụ, giá thành sản xuất tại nhà máy nhiệt điện chạy dầu hiện nay là 15cent/kWh, gần gấp 3 lần theo tính toán trong dự án điện hạt nhân. Điều này chứng tỏ việc lựa chọn điện hạt nhân mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chuẩn bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng

Tuy nhiên, các đại biểu cũng thống nhất rằng việc xây dựng và vận hành một nhà máy điện hạt nhân là không dễ dàng.

“Quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ yếu tố về cơ sở hạ tầng: pháp lý, kỹ thuật, cán bộ chuyên môn, chuyên gia và những yếu tố cơ bản khác”, ông Hồng nói.

Làm rõ hơn quan điểm của ông Hồng, ông Dương Quang Thành – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, về cơ sở pháp lý, Luật Năng lượng nguyên tử đã được ban hành, Chính phủ cũng đang xem xét và sắp ban hành Nghị định về nhà máy điện hạt nhân.

Chính phủ cũng đã giao Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Công Thương hoàn chỉnh cơ sở pháp lý phù hợp với tiến trình xây dựng và phát triển nguồn năng lượng hạt nhân của quốc gia, phù hợp với dự án đầu tư theo từng giai đoạn: lập dự án đầu tư, xây dựng nhà máy và vận hành.

Ở khía cạnh nhân lực, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam là đơn vị chủ yếu nghiên cứu, triển khai dự án. Ông Hồng thông tin, Viện có khoảng 500 cán bộ phần lớn làm về ứng dụng năng lượng nguyên tử (ứng dụng hạt nhân trong các lĩnh vực như kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, môi trường…). Và liên quan trực tiếp đến điện hạt nhân là Viện khoa học kỹ thuật hạt nhân, trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử, thành lập năm 1999.

Ngoài ra, Việt Nam còn có đội ngũ cán cán bộ chuyên gia đã vận hành Trung tâm lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt đảm bảo an toàn gần như tuyệt đối và hiệu quả cao trong hơn 20 năm qua.

Ông Hồng cũng cho hay, đã có đề án xây dựng đơn vị chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật. Đây sẽ là đội ngũ được đào tạo chuyên sâu về công nghệ lò phản ứng, công nghệ nhà máy điện hạt nhân, về an toàn hạt nhân để tham gia thẩm định, đánh giá toàn bộ những giai đoạn của dự án điện hạt nhân này.

An toàn cho cộng đồng luôn được chú trọng

Về công tác di dân và tái định cư, ông Thành cho biết EVN đã nghiên cứu và phối hợp với lãnh đạo tỉnh và huyện, nhân dân tỉnh Ninh Thuận. Khảo sát cho thấy số lượng di dân tái định cư đối với một dự án điện hạt nhân như vậy là không quá lớn (khoảng 2000 dân).

Theo quy định, phải di dân ra khỏi khu vực nhà máy cách 500m, khoảng cách đủ an toàn để sinh hoạt như bình thường. Phương án đền bù giải
phóng mặt bằng đang sơ bộ bàn bạc với tỉnh, và EVN đã kiến nghị Quốc hội và Chính phủ mức đền bù cao nhất có thể được..

Rút kinh nghiệm của các dự án khác, việc di dân cũng chú trọng đến phong tục tập quán sinh hoạt của người dân, đảm bảo duy trì ngành nghề, tránh tình trạng thay đổi nhiều về nếp sống, nếp sinh hoạt.

Đối với những khu vực dân cư không thể tiếp tục ngành nghề cũ của dân, lãnh đạo EVN cũng khẳng định sẽ có cơ chế đào tạo nghề đảm bảo đời sống của người dân.