Luận bàn về lý thuyết của nữ Giáo sư Elinor Ostrom

ThienNhien.Net – Ngày 26/10/2009, ThienNhien.Net có đăng bài viết “Cộng đồng quản lý công sản tốt hơn chính quyền”, đề cập đến lý thuyết của Giáo sư Elinor Ostrom (ĐH Indiana) – Giải Nobel kinh tế năm 2009. Sau bài viết này, chúng tôi có nhận được phản hồi của bạn Nguyễn Hồng Anh – sinh viên đang theo học chương trình Thạc sĩ tại Trường ĐH bang Ohio. Xin giới thiệu để bạn đọc cùng trao đổi thêm.

Cộng đồng quản lý công sản tốt hơn chính quyền

Cảm ơn ThienNhien.Net đã giới thiệu và nêu ra vấn đề này. Tôi xin phép trao đổi thêm hai điểm liên quan đến chủ đề.

Thứ nhất, không phải cộng đồng nào cũng có thể quản lý công sản tốt. Lý thuyết của Hardin tuy không phải lúc nào cũng đúng, nhưng trong nhiều trường hợp nó cũng không sai. Tôi chưa có điều kiện tìm hiểu nhiều xem các nhà khoa học xã hội đã nghiên cứu được nhiều về các cộng đồng quản lý công sản hay chưa, nhưng dựa trên một số hiểu biết của mình, tôi cho rằng, một số tính chất nhất định của cộng đồng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tính hiệu quả trong quản lý tài nguyên của cộng đồng đó (ở đây xin chỉ bàn đến các cộng đồng có cuộc sống gắn bó mật thiết với các nguồn tài nguyên thiên nhiên).

Trường hợp người dân du mục ở Mông Cổ như trong bài báo có viết là đại diện cho hình thức sống du canh du cư, giống với các trường hợp người dân sống du canh làm nông nghiệp ở các vùng miền núi nước ta và một số nước khác. Với những trường hợp này, phương thức chăn nuôi/canh tác của cộng đồng chỉ phù hợp với tính bền vững của môi trường địa phương khi dân số của các cộng đồng là không quá lớn (vấn đề kích thước cộng đồng thế nào là lớn, thế nào là nhỏ so với mỗi môi trường sinh sống sẽ khác nhau trong từng trường hợp cụ thể). Khi ấy, tốc độ khai thác tài nguyên nhỏ hơn tốc độ tái sinh của tài nguyên nên môi trường được đảm bảo bền vững. Tuy nhiên, cũng với phương thức ấy, nếu áp dụng cho những cộng đồng lớn, hoặc khi chính những cộng đồng này lớn lên, thì ở một giới hạn nào đó tốc độ khai thác bắt đầu lớn hơn tốc độ tái sinh, và khi ấy, tính bền vững của môi trường sẽ bắt đầu bị đe dọa. Xét trên phạm vi toàn cầu, nếu coi toàn bộ loài người là một cộng đồng, thì rõ ràng vấn đề tăng dân số là một nhân tố đáng kể ảnh hưởng đến tính bền vững của môi trường bất kể là chúng ta đang khai thác tài nguyên với một phương thức nào.

Một tính chất thứ hai, theo tôi, là cấu trúc của cộng đồng và mức độ gắn bó (tính “mới”) của cộng đồng với nguồn tài nguyên đang trực tiếp nuôi sống họ (và gián tiếp nuôi sống tất cả chúng ta). Thông thường, khi nhắc đến cộng đồng địa phương quản lý các nguồn tài nguyên, tôi cho rằng mọi người thường mặc định coi đó là những cộng đồng bản địa đã gắn bó hàng đời với môi trường sống hiện tại của họ.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp cộng đồng là “mới” đối với một hệ sinh thái tự nhiên nào đó, dù họ có thể là (A) một cộng đồng chuyển đến từ một nơi khác với những tính cách cộng đồng đã được xác lập rõ ràng, hoặc là (B) một cộng đồng hoàn toàn mới được hình thành nên bởi nhiều nhóm người khác nhau cùng chuyển đến định cư, hay là (C) một cộng đồng pha trộn giữa những người dân đã gắn bó với môi trường sống cũ và những người mới chuyển đến.

Ví dụ cho (A) là trường hợp những người Anh đầu tiên đến Australia, hoặc những người Viking đầu tiên đến Iceland; ví dụ cho (B) là trong những chương trình thành lập vùng kinh tế mới; và ví dụ cho (C) là trường hợp bang Montana (Mỹ) hay trong trào lưu người dân thành thị ồ ạt chuyển về vùng ngoại ô nước Mỹ trong những năm 1990. Các ví dụ về Australia, Iceland và bang Montana tôi lấy từ cuốn sách “Sụp đổ: các xã hội đã [lựa chọn] thất bại hay thành công như thế nào” của tác giả Jared Diamond (2004), do vậy, có thể tìm đọc chi tiết về việc các cộng đồng này đã có những phương thức/quyết định sử dụng và quản lý tài nguyên chung như thế nào trong cuốn sách này. Về cơ bản, mức độ đồng nhất và phân tán của cộng đồng sẽ ảnh hưởng đến việc ra quyết định và thực hiện các hành vi khai thác tài nguyên có hợp lý hay không. Tuy nhiên, suy nghĩ này của tôi chỉ được hình thành rõ ràng sau khi đọc về trường hợp rừng nhiệt đới của Ecuador từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai đến nay trong một bài viết trên American Journal of Sociology của tác giả Thomas Rudel (07/2009), trong đó ghi nhận những người dân bản địa Shuar là những người đầu tiên cùng với các tổ chức phi chính phủ quốc tế vận động cho sự thành lập của các khu bảo tồn thiên nhiên tại nước này, trong khi những người nông dân mới chuyển đến những khu vực sinh thái nhạy cảm của vùng Amazon chỉ tập trung vào khai thác tài nguyên ở mức tối đa có thể.

Điểm thứ hai tôi muốn trao đổi liên quan đến lý thuyết kinh tế về công sản của Elinor Ostrom mà ThienNhien.Net giới thiệu là không phải trường hợp nào quản lý công sản của chính quyền/nhà nước cũng thất bại. Cũng trong cuốn sách của giáo sư Diamond nói trên, có hai ví dụ về quản lý nguồn tài nguyên chung thành công theo phương thức từ trên xuống (top-down) là trường hợp Nhật Bản dưới thời Tokugawa (1600-1868) và Dominica dưới thời tổng thống Balaguer. Trong một trao đổi cá nhân với một người bạn (anh Lã Quang Trung), tôi được biết thêm rằng ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng, Việt Nam) và ở Nepal, phương pháp quản lý này cũng rất hiệu quả. Tuy nhiên, như nhiều thảo luận đã nêu ra, do tính chất của chính quyền là sự hành chính hóa (bureaucracy) và thiếu động lực thiết thực, việc thực hiện nghiêm túc phương pháp quản lý này là điều kiện tiên quyết để nó có những kết quả thành công. Do vậy, xin lưu ý rằng trong cả bốn trường hợp được nêu ở đây đều có sự tham gia của lực lượng quân đội trong việc đảm bảo tính nghiêm túc của các biện pháp quản lý công.

Trên đây là hai điểm tôi muốn chia sẻ thêm, tuy nhiên, vì chưa trực tiếp tiếp cận với các bài viết của giáo sư Ostrom, nên cũng có thể ý kiến cá nhân của tôi trùng lặp với một vài điểm mà bản thân giáo sư đã trao đổi về lý thuyết của mình. Rất mong được bạn đọc góp ý.