Dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Thay đổi phải có lộ trình

Dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, sẽ được đưa ra nghị trường Quốc hội thảo luận vào tuần tới. Mục tiêu hàng đầu của dự án Luật là nhằm bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Vậy cái gì xuất phát từ dân liệu có được dân ủng hộ hay không, ví như dự thảo quy định phân loại rác tại nguồn, xả rác nhiều thì trả tiền nhiều?

Trồng mới nhiều cây xanh trên các trục đường giao thông để cải thiện môi trường sống của Hà Nội nói chung và chất lượng không khí nói riêng. Ảnh: Thanh Hải

Theo trình bày tờ trình với Quốc hội về dự án Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi vào ngày 26/5 vừa qua của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, dự thảo luật này quy định yêu cầu phải phân loại rác tại nguồn và việc quản lý chất thải phải tuân thủ nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Đối với chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân thì khuyến khích phân loại theo 5 loại, có các quy định quản lý cụ thể nhằm thúc đẩy việc phân loại, nâng cao hiệu quả tái chế, quản lý chất thải rắn. Việc thu tiền xả rác tại đô thị sẽ thông qua hình thức bán túi chứa rác thân thiện với môi trường. Những hộ xả nhiều rác phải trả nhiều tiền hơn để mua túi đựng rác.

Thật ra, quy định phân loại rác tại nguồn không phải là sáng kiến mới. Luật BVMT năm 2014 cũng đã có nhưng chưa chi tiết, lại không bắt buộc nên chưa có chế tài xử phạt, do vậy nhiều người dân còn chưa biết đến quy định này. Tuy nhiên, ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai phân loại rác tại nguồn hàng chục năm nay nhưng không xuyên suốt, còn nhiều bất cập nên thực hiện được một thời gian rồi lại thôi. Thậm chí Hà Nội đã từng thực hiện phân loại rác thải tại nguồn (mô hình 3R) từ giai đoạn 2006 – 2009, do cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Mô hình này được đánh giá tốt nhưng chỉ dừng lại ở thí điểm vì thiếu kinh phí và hệ thống thu gom, xử lý rác thải chưa đồng bộ nên đành… bỏ ngỏ.

Tình trạng rác thải sinh hoạt vẫn vô tư xả ra môi trường khi chưa được phân loại tại nguồn diễn ra tràn lan. Đi bất cứ đường phố, ngõ ngách nào của Hà Nội, rác thải sinh hoạt được cho tất cả một loại vào túi nilon, vứt ra hè phố vừa mất mỹ quan, vừa làm ô nhiễm môi trường… nhưng chưa thấy mấy ai bị xử phạt. Dù theo Luật BVMT 2014, mức phạt cao nhất cho đổ rác không đúng nơi quy định là 7 triệu đồng.

Không phủ nhận lợi ích của phân loại rác thải tại nguồn cho công tác BVMT và phát triển kinh tế – xã hội. Vì thế, dự án Luật BVMT sửa đổi lần này được nhận định là tiến bộ, chặt chẽ hơn năm 2014, nhất là quy định bắt buộc phân loại rác tại nguồn với mục tiêu xả nhiều rác trả nhiều tiền… nhận được đồng thuận cao trong cộng đồng. Tuy nhiên, để Luật đi vào cuộc sống, thay đổi được nhận thức và hành vi của người dân, tạo môi trường sống trong lành và văn minh thì cũng cần quy định rõ lộ trình thực hiện, nhất là với khu vực nông thôn.

Quy định cụ thể việc thu gom, phân loại và lưu giữ tạm thời chất thải rắn thông thường trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ để bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả của việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường… Sở dĩ nói như vậy, vì hiện nay vấn đề về đầu tư, đổi mới công nghệ thu gom rác và các trang thiết bị chuyên dùng; chất lượng đội ngũ công nhân thu gom rác; dây chuyền tái chế, xử lý rác đã phân loại… cũng đang thật sự nan giải. Nếu yêu cầu phân loại rác mà những hạng mục trên chưa đáp ứng được thì cũng khó mà hiệu quả như mong muốn.