Lo mất rừng vì thủy điện nhỏ

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng trước việc triển khai các dự án thủy điện nhỏ, chuyển đổi rừng tự nhiên hay trồng lại rừng khi làm các hồ chứa.

Ngày 2-11, Quốc hội (QH) tiếp tục đợt họp thứ 2 của kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV. Mở đầu phiên họp, QH dành 1 phút mặc niệm đồng bào tử nạn, cán bộ chiến sĩ hy sinh do bão lũ những ngày qua ở miền Trung.

Phải dừng một số thủy điện nhỏ và vừa

Sáng cùng ngày, Chính phủ báo cáo QH về đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng 100,63 ha rừng phòng hộ để thực hiện dự án hồ chứa nước Sông Than (Ninh Thuận) và 1.131,22 ha đất rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa để thực hiện dự án hồ chứa nước Bản Mồng.

Thảo luận tại tổ, đại biểu (ĐB) Trần Kim Yến (TP HCM) đồng tình với việc xây hồ chứa nước ở các khu vực thường xuyên hạn hán. Tuy nhiên, bà lo lắng với việc chuyển diện tích rừng phòng hộ, vì đất trống đồi trọc chỉ có cây bụi thì khi mưa xuống có tới 95% nước chảy tràn trên mặt và chỉ có 5% thấm vào đất. Lượng nước chảy tràn trên mặt gọi là lũ và đó là thảm họa chúng ta đang phải gánh. Do vậy, việc chuyển mục đích rừng để làm các dự án hồ chứa phải cân nhắc kỹ.

Vừa trở về từ miền Trung, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: “Mất mát là cực kỳ lớn, chuẩn bị tiếp tục cơn bão số 10. Dân kiệt sức rồi”. Ông cho rằng vấn đề môi trường cần đặt ra hàng đầu, đặc biệt là an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ đập, phát triển thủy điện, trồng rừng. Vị ĐBQH này đề nghị phải báo cáo QH về sự an toàn hệ thống thủy điện, thủy lợi, các hồ chứa nước. Với thủy điện nhỏ và vừa đã và đang làm, nếu không an toàn cho hạ du, không bảo đảm môi trường rừng, xâm lấn rừng thì cần phải dừng lại.

Đại biểu Trần Kim Yến (TP HCM) bày tỏ lo lắng với việc chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ Ảnh: VĂN DUẨN

“Thủy điện thu không được bao nhiêu nhưng khi xả lũ đúng lúc mưa to thì ngập mênh mông” – ĐB Thào Xuân Sùng đề nghị xem lại hệ thống thủy điện, hồ chứa, báo cáo Bộ Chính trị, dừng một số thủy điện nhỏ và vừa.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng phải làm rõ vấn đề phá rừng làm thủy điện thì phá bao nhiêu, trồng lại bao nhiêu? Cử tri phản ánh có tình trạng phá rừng trước để lấy gỗ và làm số vốn ban đầu, sau đó mới từng bước làm thủy điện. Bên cạnh đó cũng không ai kiểm soát chất lượng rừng trồng so với rừng nguyên sinh trước đó thì tác động vào môi trường như thế nào. Dù ủng hộ làm 2 hồ chứa nước nêu trên nhưng ĐB Trương Trọng Nghĩa lo khi triển khai “coi chừng có vấn đề tranh thủ, cơ hội để chệch hướng đi”.

Ngăn ngừa chiếm rừng, đất rừng

Tại thảo luận tổ về tình hình kinh tế – xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành khá nhiều thời gian để nói về vấn đề lũ lụt, thiên tai ở các tỉnh miền Trung vừa qua. Chính phủ sẽ báo cáo QH các nội dung cụ thể về việc khắc phục hậu quả lũ lụt.

Đề cập các vụ việc sạt lở đất nghiêm trọng vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên nhân chính là do kết cấu địa chất bị ảnh hưởng bởi mưa lớn kéo dài, lượng mưa lớn. Theo Thủ tướng, mưa lớn kéo dài đã làm thay đổi kết cấu địa chất. Dù vậy, lãnh đạo Chính phủ khẳng định phải luôn hạn chế tối đa tác động của con người.

ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho biết từ kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV, ông đã đề cập việc không nên phát triển thủy điện nhỏ, đặc biệt khu vực Tây Nguyên.

Ghi nhận ý kiến này, Thủ tướng nhấn mạnh cần hạn chế phát triển thủy điện nhỏ để không xảy ra tình trạng chiếm rừng, đất rừng. Đối với những dự án quan trọng có liên quan đất rừng đều trình QH để xin ý kiến, xem xét.

Tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Chính phủ phải chỉ đạo rà soát lại tất cả các kịch bản biến đổi khí hậu xem có đúng như dự báo hay không để điều chỉnh. Cần nâng cao chất lượng dự báo thiên tai. Phải đánh giá những nguy cơ tổn thương do thiên tai mang lại để có chuẩn bị nguồn lực ứng cứu. Phải lồng ghép nội dung phòng ngừa thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cho cả nhiệm kỳ tới.

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết một số thông tin có nói hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt cho địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, qua số liệu quan trắc và khí tượng thủy văn cho thấy tại tỉnh Quảng Nam, hồ thủy điện Đắk Mi 4 có dung tích lớn, có những thời điểm lượng nước về hồ tới 17.000 m3/giây, nhưng nhờ dung tích của Đắk Mi 4 có khả năng điều tiết, chứa nước để cắt lũ đã giúp cắt lũ hơn 55%, nếu không đỉnh lũ về ngày 28-10 sẽ gây ngập lụt trắng toàn vùng hạ du.

Đạt thành tựu quan trọng

QH cũng thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế – xã hội. Theo ý kiến của nhiều ĐB, trong giai đoạn 2016-2020, bên cạnh những thuận lợi, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có quá nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, ấn tượng và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế – xã hội trong năm 2020 và giai đoạn 2016-2020.

“Những kết quả đạt được có sự đóng góp rất quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng với sự chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt, sát sao, linh hoạt và nhạy bén. Qua đó, nước ta đã thực hiện được mục tiêu kép, vực dậy nền kinh tế, vực dậy các ngành, lĩnh vực trong những lúc khó khăn nhất” – ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) nhận định.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM), năm 2020, Chính phủ đặt ra mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch bệnh vừa bảo đảm tăng trưởng dương. Thực tế 9 tháng đầu năm 2020, nước ta đạt mức tăng trưởng GDP 2,12%, lạm phát kiểm soát dưới 4 %, các cân đối lớn được bảo đảm. Đại dịch Covid-19 xảy ra, tổng cầu giảm, thương mại thế giới giảm 20%-30%, nhưng quý III/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 11% và được xem là quốc gia tăng trưởng xuất khẩu cao nhất thế giới. Chỉ có 4 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới có mức tăng trưởng xuất khẩu dương là Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Việt Nam đã tận dụng được thời cơ của hội nhập quốc tế, tận dụng được những lợi thế trong 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đặc biệt là hai hiệp định thương mại thế hệ mới là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Về kế hoạch năm 2021, có ý kiến cho rằng với bối cảnh thế giới và trong nước chưa rõ nét về kiểm soát dịch bệnh, còn nhiều yếu tố bất định trong tương lai, Chính phủ cần đưa ra các kịch bản tăng trưởng khác nhau chứ không chỉ có một kịch bản trình QH thảo luận là tăng trưởng GDP 6%. ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng Chính phủ có thể đưa ra 2 kịch bản, nếu thuận lợi, Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP ở mức 6,8%; nếu không thuận lợi, có thể tăng trưởng 4,5%.

Hôm nay, ngày 3-11, QH bắt đầu thảo luận ở hội trường 4 ngày về kinh tế – xã hội (phát thanh, truyền hình trực tiếp).

Cần giải pháp hỗ trợ người lao động

Theo ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cần có các giải pháp hỗ trợ người lao động (NLĐ) trong khi gói hỗ trợ đến NLĐ rất ít do chính sách chưa gần cuộc sống. NLĐ đang gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh kéo dài có thể làm một lực lượng lao động thất nghiệp sẽ vi phạm pháp luật và làm nảy sinh các vấn đề xã hội. Các gói kích thích kinh tế cần hướng tới các động lực phát triển dài hạn, cho các doanh nghiệp tăng trưởng trong dài hạn và phát huy vai trò của nông nghiệp trong vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) bày tỏ lo ngại khi dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới việc làm của NLĐ, trong đó có một số ngành tổn thất lớn như du lịch, dịch vụ, hàng không… Chính vì vậy, việc ổn định xã hội, giải quyết việc làm cho NLĐ là vô cùng quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh cùng với thiên tai dồn dập như thời gian vừa qua.

Trình QH bãi nhiệm ĐBQH đối với ông Phạm Phú Quốc

Chiều 2-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình QH bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với ông Phạm Phú Quốc (Đoàn ĐBQH TP HCM). Sau khi nghe tờ trình, QH thảo luận riêng ở đoàn về việc này.

Theo chương trình, chiều 3-11, UBTVQH sẽ báo cáo kết quả thảo luận ở đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về việc bãi nhiệm ĐBQH đối với ông Quốc. Sau đó QH thành lập ban kiểm phiếu và bỏ phiếu kín bãi nhiệm ông Quốc. Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố ngay khi kiểm phiếu xong. Tiếp đó, QH thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bãi nhiệm ĐBQH đối với ông Quốc.

Theo UBTVQH, việc ông Quốc xin nhập quốc tịch Cộng hòa Cyprus và đã có quốc tịch Cộng hòa Cyprus nhưng không báo cáo với cơ quan, tổ chức là không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn ĐBQH.