Điện gió “làm khó” chim yến

ThienNhien.Net – Sau những hậu quả môi trường do thủy điện mang lại, điện gió được coi như một vị “cứu tinh”. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây cho thấy, chỉ tính riêng năm 2012, nước Mỹ có gần 600.000 con dơi bị giết hại bởi tuabin của các nhà máy điện gió. Việt Nam cũng có nỗi lo tương tự về môi trường khi những khu vực có tiềm năng khai thác nguồn điện gió nhất lại trùng với nơi sinh sống của loài chim yến quý giá…

Việc phát triển điện gió trên biển là điều tất yếu cần nghĩ tới. Trên thế giới, việc phát triển điện gió trên biển đã được triển khai rất nhiều, tuy nhiên chi phí cho xây dựng, vận hành còn cao.
Việc phát triển điện gió trên biển là điều tất yếu cần nghĩ tới. Trên thế giới, việc phát triển điện gió trên biển đã được triển khai rất nhiều, tuy nhiên chi phí cho xây dựng, vận hành còn cao

Chúng tôi đã mang nỗi băn khoăn này đến nhờ ông Nguyễn Bình Khánh, giám đốc trung tâm Tư vấn phát triển năng lượng – viện Khoa học năng lượng, giải đáp.

Khi xây dựng điện gió, cần tính tới việc tránh đường di cư của các loài chim, hay những tác động tới cân bằng sinh thái như thế nào, thưa ông? 

Nhiều nghiên cứu cho thấy, trang trại gió có thể gây tổn hại cho các loài chim bằng ba cách: xáo trộn, mất môi trường sống, và các vụ va chạm với tuabin. Do vậy, các trang trại gió nên được đặt xa các tuyến di cư chính, xa các chỗ kiếm ăn quan trọng, các khu vực sinh sản và nơi chúng cư ngụ để giảm thiểu tối đa thương vong gây ra cho chim chóc.

Nhiều lo ngại được đặt ra khi khu vực miền Trung và Nam bộ – nơi có tiềm năng và đang được phát triển điện gió lại là nơi cư trú của loài chim yến quý giá? 

Với chim yến cũng như các sinh vật khác, độ ồn không làm ảnh hưởng đến chúng là dưới 3dB. Chim yến thường sinh sống từ Trung Trung bộ (Đà Nẵng) tới Tây Nam bộ (Bạc Liêu). Đây cũng chính là những khu vực có tiềm năng khai thác điện gió. Như vậy, việc phát triển điện gió sẽ có ảnh hưởng nhất định đến việc khai thác sản phẩm chim yến. Để hạn chế các ảnh hưởng của phát triển điện gió, việc quy hoạch các dự án nên cách xa khu vực chim yến sinh sống tối thiểu 7km và không thuộc khu vực kiếm mồi của chim.

Trong các tác nhân đe doạ đến sự sống của các loài chim, điện gió chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Theo thống kê, trong 10.000 vụ thì trung bình chưa tới một vụ do điện gió gây ra. Tỷ lệ này rất chênh lệch so với 1.370 vụ do đường dây tải điện gây ra và 5.820 vụ do các toà nhà cao tầng và cửa kính. Tại châu Âu, một cuộc nghiên cứu gần 1.000 khu vực ở Navarra, Tây Ban Nha đã chỉ ra rằng, tỷ lệ thương vong được tìm thấy ở giữa 0,1 – 0,6 cú va chạm trên mỗi tuabin/năm.

Ngoài ảnh hưởng tới các loài động vật hoang dã trên không, tiếng ồn của điện gió cũng được cảnh báo có ảnh hưởng tới con người, hàng không, sóng vô tuyến… Xin ông cho biết cụ thể hơn?

Theo công nghệ hiện nay, khi tuabin chạy ở vận tốc thiết kế với công suất định mức thì độ ồn gây ra khoảng 100dB và giảm dần theo khoảng cách với tuabin. Trong khoảng 300m, độ ồn giảm còn 50dB và trong khoảng cách 2 – 4,5km, độ ồn gây ra còn rất thấp (dưới 10dB). Ở khoảng cách trên 7km, độ ồn gần như không còn ảnh hưởng. Với các trang trại gió lớn, thì mức độ ảnh hưởng sẽ xa hơn nhưng không nhiều.

Theo đặc điểm sinh học của con người, độ ồn mà con người có thể sinh sống bình thường là dưới 30dB. Như vậy, việc bố trí quy hoạch, xây dựng các trạm điện gió phải đủ khoảng cách để không ảnh hưởng đến việc sống và làm việc bình thường của dân cư.

Với độ ồn tuabin khoảng 100dB, thì chỉ ảnh hưởng tới sóng radio, dải sóng UHF, VHF, ảnh hưởng không nhiều tới sóng thông tin di động cũng như sóng rađa quân sự. Việc chuyển động quay của cánh tuabin gần như không ảnh hưởng tới sóng thông tin. Còn với hàng không, độ cao khai thác các tuabin gió hiện nay đa số trên 80m, nên khi quy hoạch hay xây dựng phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét để cho phép sử dụng không gian có độ cao lớn, tuỳ theo từng địa điểm, khu vực.

Có chuyên gia cho rằng, mặc dù sản lượng điện gió trên biển nhiều hơn trên đất liền, nhưng túi tiền của các nhà đầu tư có giới hạn, nên trước mắt Việt Nam chỉ cần triển khai những dự án trong đất liền trước để lấy kinh nghiệm, ông đánh giá thế nào về việc này?

Thực tế phát triển điện gió của Việt Nam thời gian vừa qua cho thấy, quỹ đất phục vụ phát triển điện gió trên đất liền là điều rất khó khăn. Việc phát triển điện gió trên biển là điều tất yếu cần nghĩ tới. Trên thế giới, việc phát triển điện gió trên biển đã được triển khai rất nhiều, tuy nhiên chi phí cho xây dựng, vận hành còn cao.

Hiện nay việc phát triển điện gió ra ngoài biển thực tế đã triển khai trong quy hoạch phát triển điện gió khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vì đây là khu vực có điều kiện địa hình, hải văn, quỹ đất thuận lợi. Đã có một số dự án điện gió ven biển khu vực này được triển khai và hoà lưới điện quốc gia. Với khu vực Nam Trung bộ, do vùng ven biển có độ sâu khá lớn, nên chưa thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay.

Ở góc độ công nghệ, điện gió ở Việt Nam đang gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?

Đặc điểm gió của Việt Nam là hiện tượng gió giật nhiều, nên việc sử dụng các thiết bị hiện nay nhập khẩu của châu Âu và Mỹ chưa thực sự phù hợp, điều này sẽ làm cho các dự án có độ khả thi không cao.

Việt Nam chưa có những đánh giá có độ tin cậy cao về tiềm năng gió cũng như chưa có những công nghệ thực sự phù hợp với đặc điểm gió của Việt Nam. Các thiết bị nhập khẩu của châu Âu, Mỹ thường có vận tốc gió ở công suất định mức thường từ 10 – 13m/s, trong khi vận tốc gió đa số vùng lãnh thổ của Việt Nam ở độ cao 80m dưới 10m/s. Ngoài ra, đặc điểm gió của Việt Nam là hiện tượng gió giật nhiều, nên việc sử dụng các thiết bị hiện nay nhập khẩu của châu Âu và Mỹ chưa thực sự phù hợp, điều này sẽ làm cho các dự án có độ khả thi không cao, chưa có những đơn vị nghiên cứu, sản xuất, kiểm định có thể làm chủ được công nghệ điện gió để phát triển công nghệ điện gió phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Theo dự đoán của ông, bao lâu nữa điện gió ở Việt Nam thực sự có chỗ đứng trong thị trường điện?

Điện gió là một nguồn năng lượng sạch. Tuy nhiên, nó phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Việc phát triển nguồn điện gió có một ngưỡng giới hạn so với công suất hệ thống điện và giá thành hiện còn đắt so với một số nguồn điện khác. Do vậy, khoảng thời gian để điện gió có chỗ đứng thực sự trong thị trường điện Việt Nam còn phụ thuộc cách nhìn nhận về vai trò điện gió trong hệ thống điện, cũng như những chính sách để cho điện gió phát triển đúng vai trò của nó. Việt Nam cần có cơ chế hỗ trợ về tài chính cho các dự án điện gió như: hỗ trợ qua vốn vay, hỗ trợ phát triển một số công đoạn trong lĩnh vực công nghệ điện gió (nội địa hoá một số trang thiết bị của các trạm điện gió) và đặc biệt là hỗ trợ giá mua điện. Theo tôi, có lẽ cũng phải mất cả chục năm nữa.