Sông Nhuệ ô nhiễm nặng, giải quyết thế nào?

ThienNhien.Net – Với áp lực về các nguồn thải, sức ép của sự phát triển kinh tế- xã hội rất lớn như hiện nay và trong tương lai thì cần phải có sự đầu tư, quản lý hơn nữa thì mới có thể cải thiện được sự ô nhiễm trên sông Nhuệ.

Sông Nhuệ đầy bèo rác tại cống Cổ Lương, Hà Nam (Ảnh: PV)
Sông Nhuệ đầy bèo rác tại cống Cổ Lương, Hà Nam (Ảnh: PV)

Hiện tại, TP Hà Nội đang xây dựng các nhà máy xử lý nước thải: Yên Sở công suất 200.000m3/ngày đêm; Yên Xá 275.000m3/ngày đêm; Phú Đô 71.000m3/ngày đêm; xây dựng dự án nhà máy phân loại và ép rác sinh hoạt để xuất khẩu công suất 2.000 tấn/ngày đêm tại Nam Sơn (Sóc Sơn); xây dựng khu xử lý chất thải rắn Đồng Ké; khu xử lý rác thải Xuân Sơn – Sơn Tây (giai đoạn 2), diện tích 13ha…

Ngoài ra, Bộ TN-MT cũng hỗ trợ Hà Nội đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải cụm làng nghề tại xã Dương Liễu xử lý nước thải cho 3 xã làng nghề gồm: Cát Quế – Minh Khai – Dương Liễu (huyện Hoài Đức) công suất 12.000 – 13.000 m3/ngày đêm. Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ các dự án bảo đảm dòng chảy, cân bằng nước lưu vực sông Nhuệ – Đáy.

Với áp lực về các nguồn thải, sức ép của sự phát triển kinh tế- xã hội rất lớn như hiện nay và trong tương lai thì cần phải có sự đầu tư, quản lý hơn nữa thì mới có thể cải thiện được sự ô nhiễm trên sông Nhuệ. Tăng cường xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tại nguồn.

Hiện nay, Hà Nội đã vận hành trạm bơm tiêu Yên Sở tiêu ra sông Hồng và đóng cống Thanh Liệt trong mùa kiệt để giảm lượng nước thải từ nội thành đổ ra sông Nhuệ.

Xây dựng mới các trạm bơm lấy nước trực tiếp từ sông Đáy và sông Hồng như Cao Bộ, Ba Thá, Thụy Phú…, cải tạo một số trạm bơm và xây dựng trạm bơm dã chiến như Đan Hoài, Bá Giang để tăng cường lượng nước cấp cho mùa kiệt nhằm tránh nước tù đọng và duy trì dòng chảy thường xuyên trên hệ thống.

Trong thời gian tới cần tiếp tục giải pháp vận hành hệ thống trạm bơm tiêu Yên Sở, xây dựng trạm bơm tưới tiêu Liên Mạc (quy mô 70 m3/s, trong đó có tiếp nguồn cho sông Tô Lịch) để tiêu chủ động cho khu vực đô thị Tây Nam Hà Nội và cấp đủ nước và duy trì dòng chảy tối thiểu trên hệ thống.

Đồng thời cần xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý, vận hành hệ thống cấp và thải nước vào hệ thống thủy nông sông Nhuệ. Tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường đến từng cơ sở sản xuất, làng nghề, khu cụm công nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát và xử phạt các cơ sở sản xuất gây ra ô nhiễm.

Giám sát chất lượng nước sông Nhuệ

Để thực hiện nhiệm vụ “Giám sát chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi sông Nhuệ, phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp”, Viện Quy hoạch Thủy lợi đã chỉ đạo Phòng Thí nghiệm và Tư vấn Quản lý chất lượng nước, môi trường tổ chức tiến hành khảo sát thực địa, lấy mẫu ngày 21/04/2016 (lựa chọn ngày 21/04/2016 là do trong lưu vực vào ngày 20/04/2016 có mưa).

Kết quả cho thấy, chất lượng nước trên dọc trục chính sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng nề. Toàn dòng sông là một màu đen kịt, hàm lượng oxy hòa tan trong nước rất thấp, hàm lượng ô nhiễm các chất nhóm N cao. Khi mở đập Thanh Liệt lượng nước thải bổ sung vào dòng chính sông Nhuệ càng làm sông Nhuệ ô nhiễm hơn.

Mặt khác ở hạ lưu khi mở đập Nhật Tựu và cống Lương Cổ thì lượng nước sông Nhuệ đổ ra sông Đáy bị triều đẩy ngược lên về thượng lưu sông Đáy gây ô nhiễm trên sông Đáy. Hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Đáy đến cầu phao Tân Sơn là khó tránh khỏi.