Miền Trung trong cơn bão dữ

ThienNhien.Net – Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, chiều 29/09, bão số 9 chính thức đổ bộ vào các tỉnh miền Trung nước ta, với vùng tâm bão thuộc địa phận Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, có sức gió mạnh cấp 11,12; giật cấp 13, 14; ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định. Trước đó, nhiều tỉnh miền Trung đã ngập chìm trong mưa to, gió lớn, hệ thống điện bị mất, giao thông gần như tê liệt, cây cối gẫy đỏ ngổn ngang trên các đường phố.

Cả miền Trung chống bão

Tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Bình Định, từ đêm 28/09 đến sáng 29/09 đã có gió cấp 7, cấp 8 và giật cấp 9 làm nhiều cây cổ thụ trên các tuyến đường Lê Duẩn, Phạm Hùng và Hàm Nghi tại thành phố Quy Nhơn bị ngã đổ gây ách tắc giao thông. Ngay sau đó, Công ty Cây xanh và Điện chiếu sáng đô thị và Công ty Vệ sinh-Môi trường thành phố Quy Nhơn đã huy động hàng trăm cán bộ công nhân viên tiến hành chặt, cưa cây bị đổ để giải phóng giao thông đi lại và thu dọn các cành cây, lá bị gãy trên các đường phố.

Tại các âu thuyền trú bão, nhiều chủ tàu ở nhiều địa phương đang tiếp tục đưa tàu vào neo đậu, chằng chéo giây neo đúng kỹ thuật để khỏi bị va đập chìm tàu trong điều kiện sóng to gió lớn. Nhiều trường học trong thành phố Quy Nhơn đã được lệnh cho học sinh nghỉ học.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện nay, toàn miền Trung đang chìm trong cơn bão dữ. Đến sáng sớm ngày 30/09, vị trí tâm bão vẫn thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

Sau đó, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 14 giờ ngày 30/09, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực Nam Lào, rồi tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 14 giờ ngày 01/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực Đông Bắc Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định có gió mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13.

Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên, Kom Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 6, cấp 7, có nơi cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5m. Ở các tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Định và Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và Nam biển Đông, vùng biển các tỉnh Bình Thuận – Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.

Đà Nẵng hứng chịu thêm một cơn bão dữ

Đúng 3 năm sau khi Đà Nẵng phải hứng chịu cơn bão Xangsane, thành phố ven sông Hàn này đang phải chống chọi thêm một trận bão cực mạnh khác.

Theo các nguồn tin từ Đà Nẵng, từ tối 28/09, mưa to kèm gió lớn đã làm đổ nhiều biển báo và cây cối trên đường. Những tấm cửa sắt mặc dù đã được chèn chống cẩn thận nhưng vẫn không thể chống chọi nổi bởi gió quá mạnh. Nhiều khu vực đã bị mất điện, mất nguồn cung cấp nước sạch. Mưa lớn đã làm ngập lụt nhiều tuyến đường trong thành phố. Nước sông Hàn tràn lên đường cao tới hàng chục cm. Đến 8 giờ sáng 29/09, lũ trên sông Hàn tại Cẩm Lệ đã vượt mức báo động III và tiếp tục lên nhanh có khả năng đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Tại thôn Hồng Phước, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, nước lũ đã dâng cao và cô lập toàn bộ thôn. Ông Dương Thành Thị, chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu cho biết, sáng 29/09/2009, quận Liên Chiểu đang triển khai lực lượng cứu hộ, trong đó có cả lực lượng quân đội tham gia cứu hộ 10 thanh niên tại thôn này. Đây là những thanh niên đã tình nguyện ở lại giữ gìn tài sản của nhân dân khi toàn bộ các hộ dân trong thôn.

Ủy ban Nhân dân các quận huyện trên địa bàn huy động các phương tiện tại chỗ tiếp tục sơ tán thêm 13.000 người dân đến nơi an toàn, đưa tổng số di dân sơ tán của thành phố Đà Nẵng lên đến 33.000 người.

Tại các khu vực gần trường đại học, chính quyền địa phương đã vận động đưa các sinh viên ở trọ trong những ngôi nhà tạm bợ về trú bão tại Ủy ban Nhân dân các phường và trường học trên địa bàn. Đại học Đà Nẵng đã mở cửa các khu Ký túc xá và các khu căng tin trong ký túc để sinh viên ở trọ bên ngoài đến trú bão.

Lệnh cấm di chuyển đã được ban hành tại Đà Nẵng, kể cả với xe ôtô, ngoại trừ xe đặc chủng của các lực lượng chức năng làm công tác cứu nạn cứu hộ.

Công ty điện lực Đà Nẵng cho biết, hiện lưới điện 110KV ở An Đồn, Ngũ Hành Sơn… bị mất hoàn toàn. Trước tình trạng này, Điện lực Đà Nẵng chỉ cố gắng duy trì cho một số cơ quan xung yếu, làm nhiệm vụ chống lụt bão.

Còn theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Trưởng Ban phòng chống lụt bão Đà Nẵng, bão số 9 đang đổ bộ vào Đà Nẵng với sức gió mạnh cấp 11, cấp 12. Dự kiến, bão sẽ còn mạnh thêm với sức gió cấp 13, 14, giật cấp 15,16.

Trước tình hình nguy hiểm của bão số 9, sáng 29/09, Phó Thủ Tướng Hòang Trung Hải đã đến Đà Nẵng và chủ trì ngay cuộc họp khẩn cấp với Ban chỉ đạo tiền phương phòng chống cơn bão số 9. Ngay sau khi triển khai các nhiệm vụ cấp bách, Phó Thủ tướng đã đi kiểm tra một số điểm xung yếu trên địa bàn thành phố.

 

Ngày 26/09, bão Ketsana quét qua Philippines cướp đi sinh mạng của 140 người. Đến sáng 28/09, phần lớn thủ đô của Philippines vẫn chìm trong biển nước. Chính quyền nước này đã công bố “tình trạng thảm họa” tại Manila và 25 tỉnh khác để kêu gọi cứu trợ khẩn cấp. Cùng lúc này, các quan chức khí tượng lại cảnh báo một cơn bão mới có thể “tấn công” nước này trong vài ngày tới. Trong ảnh: Người dân Philippines vẫy tay gọi đội cứu hộ. (Nguồn: Reuters)