Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng: Tiến độ còn chậm

ThienNhien.Net – Trong phiên họp Quốc hội sáng 06/11, Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng do Bộ trưởng Bộ Nông nghịêp và Phát triển nông thôn – Cao Đức Phát trình bày, đã khẳng định hiệu quả kinh tế – xã hội, môi trường của dự án. Tuy nhiên, tiến độ của Dự án còn chậm và hoàn thiện khung chính sách về xác định giá rừng.


Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng là dự án đặc biệt trải khắp các địa phương trên cả nước, với đối tượng hưởng lợi chính là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Dự án được Quốc hội khoá X thông qua ngày 05/02/1997.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nông nghịêp và Phát triển nông thôn – Cao Đức Phát, sau 10 năm triển khai dự án, rừng nhiều nơi đã được cải tạo, nâng cao chất lượng và trữ lượng, có giá trị kinh tế cao. Tỷ lệ che phủ rừng của cả nước đã đạt khoảng 38,7%. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng trái phép còn xảy ra ở những địa phương có nhiều rừng tự nhiên, nhất là các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và Quảng Nam. Tình trạng chống người thi hành công vụ diễn ra nghiêm trọng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ điều chỉnh tổng mức đầu tư cho Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, có tính đến biến động trượt giá. Về vấn đề này, theo Nghị quyết của Quốc hội, nguồn ngân sách nhà nước cấp cho nhiệm vụ trồng mới rừng năm nay là 1.000 tỷ đồng, nhưng nếu tính toán nhu cầu vốn đầu tư trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật và giá cả đầu vào thì khoảng 2.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội – Đặng Vũ Minh nhận xét bên cạnh những kết quả đã đạt được, tiến độ trồng mới cũng như việc giao đất, giao rừng còn chậm.

Tiến độ khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2009 đã vượt mức kế hoạch đề ra. Nhưng tiến độ trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất còn chậm.

Mặt khác, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp vẫn còn chậm. Diện tích đất lâm nghiệp được cấp là 8.422 triệu ha bằng 69,2% diện tích cần giao.

Đáng lưu ý, phương pháp và cách thức giao rừng, giao đất lâm nghiệp và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với các cơ chế hưởng lợi, chính sách hỗ trợ đi kèm chưa thực sự được công khai, dân chủ.

Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện khung chính sách pháp luật về xác định giá rừng, đặc biệt là giá rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trước khi chuyển sang rừng sản xuất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng để tránh thất thoát tài nguyên rừng.