Tình hình sản xuất – kinh doanh nhiều ngành có khả quan

ThienNhien.Net – Theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, thiên tai xảy ra bất thường với những đợt mưa lũ lớn kéo dài tại nhiều tỉnh Trung bộ, mưa trái mùa, triều cường tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, các đơn vị sản xuất kinh doanh nghỉ Tết Nguyên đán nên số ngày sản xuất ít hơn cùng kỳ năm 2008 nhưng kết quả sản xuất, kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực tháng 1/2009 vẫn tiếp tục giữ được mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2008.

Về nông nghiệp, trọng tâm của sản xuất nông nghiệp tháng 1 là gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa đông xuân, cây màu vụ đông trên cả nước và thu hoạch lúa mùa tại các địa phương phía Nam.

Diện tích gieo sạ vùng đồng bằng sông Cửu Long ước tính đạt 1421,2 nghìn ha, bằng 95,7% cùng kỳ năm 2008. Cùng với gieo cấy lúa đông xuân, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đã thu hoạch được 72,5 nghìn ha lúa đông xuân sớm, bằng 66,7% cùng kỳ năm trước và 329,9 nghìn ha lúa mùa, chiếm 74% diện tích xuống giống.

Về sản xuất lâm nghiệp, sản lượng gỗ khai thác tháng 1/2009 ước tính đạt 193,8 nghìn m3, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thuỷ sản ước đạt 335,6 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng cá đạt 255 nghìn tấn, tăng 1,3%.

Sản xuất công nghiệp tháng 1/2009 một mặt tiếp tục bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, mặt khác do các cơ sở ngừng sản xuất trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nên giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1/2009 theo giá so sánh 1994 ước tính giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước (tháng 1/2008 chỉ là tháng áp Tết, sản xuất không bị ảnh hưởng).

Nhiều sản phẩm vẫn tiếp tục duy trì được nhịp độ sản xuất

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều sản phẩm vẫn tiếp tục duy trì được nhịp độ sản xuất và tăng so với cùng kỳ năm trước như dầu thô khai thác tăng 20,6%; điện sản xuất tăng 13,8%; nước máy thương phẩm tăng 12,2%; xi măng tăng 6,3%; thép tròn tăng 5%; thủy hải sản chế biến tăng 3,4%…

Một số địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp lớn vẫn duy trì được tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước là Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 13,9%; Khánh Hòa tăng 12,1%; Hải Phòng tăng 11,4%; Thanh Hóa tăng 11%…

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng, nhập siêu giảm

Tổng cục Thống kê cho biết, mặc dù do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng các đơn vị kinh doanh đã chuẩn bị chu đáo nhiều loại hàng hoá và dịch vụ có chất lượng tốt với mức giá hợp lý để đáp ứng tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2009 theo giá thực tế ước tính đạt 98,5 nghìn tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2008.

Hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đạt 37,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 31,4% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước và tăng 22% so với tháng 1/2008.

Về xuất, nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2009 ước tính đạt 3,8 tỷ USD, giảm 18,6% so với tháng 12/2008 và giảm 24,2% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do sự giảm giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng cũng như nhu cầu nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam của một số thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Nhật Bản giảm sút.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2009 ước tính đạt 4,1 tỷ USD, giảm 27,6% so với tháng trước và giảm 44,8% so với cùng kỳ năm 2008.

Nguyên nhân chủ yếu tác động đến kim ngạch nhập khẩu giảm là do giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2008, trong đó giá xăng dầu giảm 56,2%; giá chất dẻo giảm 33,7%; sợi dệt giảm 29,2%; sắt thép giảm 9,4%.
 
Do tốc độ giảm của kim ngạch hàng hoá nhập khẩu nhanh hơn tốc độ giảm của kim ngạch hàng hoá xuất khẩu nên mức nhập siêu tháng 1/2009 đã giảm nhiều, ước tính 300 triệu USD, bằng 7,9% tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với mức nhập siêu 2,4 tỷ USD của cùng kỳ năm trước (bằng 48,3% tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu).