Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm công nghiệp

ThienNhien.Net – Thời gian qua, tuy giá tôm thương phẩm trên thị trường lên xuống thất thường, nhưng một số hộ dân nuôi tôm công nghiệp ở tỉnh Cà Mau vẫn duy trì và phát triển mô hình của mình. Đến xã Định Bình, hỏi đến người nuôi tôm công nghiệp giỏi, mọi người đều nhắc đến ông Lê Văn Bol, ở ấp Xóm Lung, bởi ông là một trong những hộ nuôi tôm công nghiệp thành công ngay ở vụ đầu tiên và liên tục nhiều vụ tiếp theo trong xã.


Năm 2004, từ mô hình nuôi tôm quảng canh truyền thống cho năng suất không cao, ông đã mạnh dạn chuyển sang mô hình nuôi tôm công nghiệp. Với diện tích ban đầu 1,5 ha, chia thành 04 ao nuôi. Do thực hiện đúng quy trình sản xuất, áp dụng đúng kỹ thuật, ông đã thành công ngay ở vụ đầu tiên. Sau khi thu hoạch trừ chi phí, ông còn lãi trên 100 triệu đồng.

Từ phần lợi nhuận thu được, ông tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình. Năm 2005 – 2006 ông đầu tư thêm 04 ao nuôi, trong vòng 2 năm ông thu lợi gần 500 triệu đồng. Thắng lớn nhiều vụ, ông tiếp tục tận dụng đất vườn và đất dọc theo tuyến sông để đào thêm ao nuôi và ao lắng. Hiện tại, ông có 10 ao, với tổng diện tích 6,3 ha.

Năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, tuy tôm bị rớt giá và lên xuống thất thường, nhưng ông vẫn kiên trì thả nuôi hết diện tích. Quyết đoán trong làm ăn cộng thêm sự cần cù, chịu khó trong lao động, sau các vụ nuôi ông thu lợi trên 900 triệu đồng. Thành công của ông Bol là do trong quá trình nuôi, ông đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, từ khâu cải tạo, chọn giống, đầu tư chi phí sản xuất đầu vào, xử lý môi trường trong và sau vụ nuôi, mật độ thả con giống, chăm sóc tôm nuôi…

Làm ăn khấm khá, những năm qua gia đình ông đã tham gia đóng góp gần 10 triệu đồng thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ trẻ em khuyết tật nghèo và góp phần xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, khi được bầu vào Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của ấp Xóm Lung, ông đã trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn 02 hộ nuôi tôm thoát nghèo và tạo công ăn việc làm cho 12 lao động tại địa phương. Nhiều năm liền, ông được tuyên dương là nông dân sản xuất giỏi.

Mô hình nuôi tôm công nghiệp của ông Bol đã giúp người dân thấy được hiệu quả của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, nuôi tôm công nghiệp cũng là một trong những mô hình khó nhân rộng, bởi chi phí đầu tư cao, rủi ro nhiều. Do đó, khi đầu tư vào mô hình này, người dân cần tính toán thận trọng, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và phải có ý thức phòng, ngừa dịch bệnh cho tôm nuôi.

Sự thành công từ mô hình nuôi tôm của ông Bol và nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp khác ở tỉnh Cà Mau, đã góp phần tăng cả diện tích, năng suất và sản lượng tôm trong thời quan qua. Được biết, đến nay tổng diện tích nuôi tôm của tỉnh Cà Mau chiếm khoảng 264.500 ha; trong đó có 1.300 ha nuôi tôm công nghiệp, với năng suất khoảng 5 – 6 tấn/ha.