Biến đổi khí hậu và thách thức lớn của nhân loại thế kỷ 21

ThienNhien.Net – Với chủ đề "Chia sẻ kinh nghiệm sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và các bệnh mới nổi", cuộc Hội thảo Á – Âu về các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu đã diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 04-05/11/2009. Hội thảo do Việt Nam và Hungari đồng tổ chức, với sự góp mặt của 200 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học đến từ các nước thành viên Á – Âu (ASEM), các tổ chức quốc tế và đại diện các Bộ, ngành, Viện nghiên cứu…


Đây là hoạt động nhằm triển khai các sáng kiến về chia sẻ kinh nghiệm sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và các bệnh mới nổi do Việt Nam, Hungari và Đan Mạch đề xuất tại Hội nghị cấp cao ASEM 7 (tháng 10/2008 tại Bắc Kinh), Hội thảo này đã trở thành diễn đàn cho các nước trong ASEM cùng tham gia trao đổi và chia sẻ thông tin về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới môi trường, sức khỏe và những giải pháp trong hợp tác sẵn sàng ứng phó với ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu tới sức khỏe cộng đồng.

Hai nội dung chính được các đại biểu quan tâm thảo luận là: Đánh giá tình hình, nguy cơ biến đổi khi hậu và các bệnh mới nổi; những đáp ứng của các quốc gia về biến đổi khí hậu và các bệnh mới nổi.

Tại Hội thảo, Giáo sư Anthony J. McMichael – chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới đã đề cập tới “Tính dễ bị tổn thương” và “sự thích nghi” đối với biến đổi khí hậu trong tham luận “Biến đổi khí hậu và sức khỏe, rủi ro và ứng phó: Khả năng dễ bị tổn thương và sự thích nghi”. Còn TS Jae KyangSo – Giám đốc toàn cầu Chương trình Nước và Vệ sinh (Ngân hàng thế giới Wasshington) lại đưa ra những biện pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu như hỗ trợ nguồn lực cho người nghèo, mô hình xử lý nước thải, xây dựng dịch vụ thích ứng trong tham luận ” Ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu”.

Ngoài ra, những vấn đề về Biến đổi khí hậu toàn cầu và các bệnh mới nổi ở Việt Nam, biến đổi khí hậu toàn cầu và các bệnh truyền nhiễm do vi-rút mới nổi, giám sát tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cũng được đề cập tới trong Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Nguyễn Thái Lai đã khẳng định, biến đổi khí hậu làm cho thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, lụt, hạn hán ngày càng gia tăng về tần suất, cường độ và quy mô; tác động nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, đời sống và các lĩnh vực kinh tế – xã hội như nông nghiệp, tài nguyên nước, quản lý vùng ven biển, lâm nghiệp, thủy sản, năng lượng, giao thông vận tải, du lịch và đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

“Biến đổi khí hậu với biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, đặc biệt với Việt Nam, quốc gia được đánh giá là một trong 5 nước đang phát triển sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh.

Hiện nay ở Việt Nam, biến đổi khí hậu đã đe dọa đến cuộc sống, sức khỏe của hàng chục triệu người dân, đặc biệt những người nghèo sinh sống ở những vùng dễ bị tổn hại do biến đổi khí hậu gây ra. Đặc biệt, tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe có thể là các tác động trực tiếp thông qua những thay đổi của mối quan hệ trao đổi vật chất, năng lượng giữa cơ thể con người với môi trường xung quanh, làm nảy sinh những biến đổi về sinh lý, tập quán, khả năng thích nghi và những phản ứng của cơ thể con người.

“Ở Việt Nam, các tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe cộng đồng đã và đang diễn ra khá phức tạp và đa dạng. Tuy đã có một số kết quả nghiên cứu về vấn đề này, song cũng chỉ mới ở mức độ ban đầu, cần được tiếp tục mở rộng nghiên cứu trên cơ sở hợp tác chặt chẽ giữa những chuyên gia về khí hậu, môi trường, y tế trong và ngoài nước. Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158/2008/QĐ- TTg ngày 02/12/2008 là cơ sở quan trọng để xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực y tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam trong thời gian tới”- Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho biết.

Theo Ông Falus Ferenc, Cục trưởng Cục Y tế quốc gia Hungary, một trong những vấn đề quan trọng nhất là cần đầu tư hệ thống y tế đủ mạnh để ứng phó với biến đổi khí hậu. Hungary đã xây dựng một khung chiến lược trong lĩnh vực này nhằm tạo ra một mạng lưới y tế thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt ưu tiên xác định các bệnh liên quan đến biến đổi khí hậu, tăng cường hệ thống cứu hộ y tế, chăm sóc và phục hồi chức năng. “Chúng tôi rất chú trọng đến nâng cao nhận thức cho các chính trị gia, các chuyên gia, các nhóm dễ bị tổn thương – những đối tượng có ảnh hưởng lớn đến chính sách y tế liên quan đến biến đổi khí hậu”, ông Falus Ferenc nói.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – ThS. Lê Công Thành cũng đã có tham luận trình bày về “Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam” với kinh phí thực hiện lên tới 1,965 tỉ đồng, trong đó nhấn mạnh những nhiệm vụ và giải pháp như xây dựng các chương trình khoa học công nghệ về biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực…