Đã có nhiều ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp chế biến khoáng sản

ThienNhien.Net – Theo kết quả rà soát của Tổng cục Thuế, các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách thuế hiện hành đã có ưu đãi nhằm khuyến khích DN đầu tư chế biến khoáng sản để làm ra các sản phẩm khác có giá trị và hiệu quả kinh tế- xã hội.

Quặng titan trước khi đưa vào chế biến tại Công ty TNHH một thành viên khoáng sản Thừa Thiên Huế (Ảnh: T.Hằng/Báo Hải Quan)
Quặng titan trước khi đưa vào chế biến tại Công ty TNHH một thành viên khoáng sản Thừa Thiên Huế (Ảnh: T.Hằng/Báo Hải Quan)

Theo quy định về thuế GTGT thì tài nguyên khoáng sản chưa qua chế biến thành sản phẩm khác không phải chịu thuế GTGT khi xuất khẩu; cơ sở xuất khẩu không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào. Quy định này nhằm khuyến khích chế biến sâu, tạo ra nhiều giá trị gia tăng trong nước từ tài nguyên, khoáng sản.

Đối với thuế xuất khẩu thì các loại khoáng sản đã qua chế biến, thuộc diện được phép xuất khẩu và quy định mức thuế phù hợp tuỳ theo mức độ đầu tư, chế biến, như: Cácbonat canxi được quy định mức thuế suất từ 5 đến 14% tuỳ theo mức độ chế biến mịn của hạt; Các sản phẩm chế biến sâu từ quặng titan như: Inmenit hoàn nguyên, xỉ ti tan, tinh quặng rutile được quy định mức thuế suất từ 10 đến 30%; Sản phẩm chế biến từ canxi phosphate tự nhiên như apatit được quy định mức thuế suất từ 15 đến 15%…

Trước đó, có ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính cần thực hiện rà soát mức thuế tài nguyên khoáng sản, phí môi trường trong khai thác khoáng sản trên cơ sở tham khảo các nước trong khu vực có điều kiện tương tự Việt Nam để điều chỉnh phù hợp.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, các chính sách thuế tài nguyên hiện đang thực hiện theo quy định của Luật thuế Tài nguyên 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Theo đó, Luật thuế Tài nguyên đã quy định rõ nguyên tắc xây dựng mức thuế suất thuế tài nguyên cụ thể đối vói từng loại tài nguyên (trong đó bao gồm tài nguyên khoáng sản) phù hợp với từng thời kỳ, đảm bảo nguyên tắc: Quản lý của Nhà nước đối với nguồn tài nguyên, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên; Góp phần bảo đảm nguồn thu NSNN và bình ổn thị trường.

Để thực hiện chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, Bộ Tài chính đã thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách thuế tài nguyên và tham khảo kinh nghiệm của các nước để đưa ra các kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Đối với việc quy định thu phí bảo vệ môi trường với khai thác khoáng sản là nhằm bù đắp chi phí bảo vệ môi trường do hoạt động này gây ra cho môi trường. Theo đó, việc xác định mức phí cụ thể phải dựa trên cơ sở là mức độ gây ô nhiễm, đối tượng và điều kiện khai thác cụ thể. Trong khi đó, mỗi quốc gia có kiều kiện kinh tế- xã hội và điều kiện tự nhiên khác nhau nên việc điều chỉnh mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế là chưa phù hợp.