Mô hình "Làng kinh tế sinh thái" vực dậy một làng nghèo

"Làng kinh tế sinh thái" là mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên vốn có do Viện Kinh tế sinh thái trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đề xuất đã được triển khai làm thử tại thôn Tòng Trú 1 (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) từ tháng 6/2006. Trước đây, Tòng Trú 1 được coi là một trong những thôn nghèo khó nhất của huyện. Nhưng chỉ sau một năm triển khai mô hình "Làng kinh tế sinh thái" nơi đây đang dần đổi mới.

Mô hình được chia làm hai giai đoạn: xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Thông qua mô hình, 80 hộ trong thôn được tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vật liệu, cây, con giống, phân bón để trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp; chăn nuôi, vệ sinh môi trường làng bản, xây dựng công trình nước sạch nông thôn…
 
Trong hai năm thực hiện, ngoài sự nỗ lực của bản thân, các hộ nông dân Tòng Trú 1 còn được tổ chức Bánh mỳ thế giới hỗ trợ trên 800 triệu đồng để xây dựng “Làng kinh tế sinh thái”. Từ mô hình này đã tạo điều kiện cho nhân dân học tập, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp, phát triển nhanh kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, mô hình cũng đã góp phần đáng kể thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phong tục tập quán lạc hậu; từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh thôn xóm của bà con thiểu số ở địa phương.
 
 Ngay sau khi được lựa chọn thực hiện mô hình “Làng kinh tế sinh thái”, xã đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức họp dân triển khai mô hình, duy trì họp giao ban đều đặn mỗi tháng một lần có sự tham gia, hướng dẫn của cán bộ Viện Kinh tế sinh thái. Mỗi buổi họp đều có nội dung rõ ràng, cụ thể, đánh giá tiến độ thực hiện mô hình trong tháng, bàn và thống nhất các công việc tiếp theo và đề ra cách thức, biện pháp thực hiện đối với từng nội dung của mô hình cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có hướng chỉ đạo phù hợp, kịp thời.
 
Sau một năm triển khai thực hiện dự án, xã đã tổ chức 20 buổi tập huấn về quy trình, các bước tiến hành, kỹ thuật trồng cây ăn quả, canh tác trên đất dốc, quy cách xây dựng bếp tiết kiệm củi… Dự án đã cấp nguyên vật liệu cho 63 hộ làm bếp cải tiến tiết kiệm củi, xây nhà vệ sinh 2 ngăn, cấp trên 118.000 cây lâm nghiệp, 6.500 cây ăn quả (gồm vải thiều, xoài ghép, bưởi, hồng xiêm, đu đủ…) cho 78 hộ; hỗ trợ 30 triệu đồng cho 20 gia đình vay đầu tư phát triển chăn nuôi. Số tiền này được giao cho Hội Phụ nữ thôn quản lý, hướng dẫn sử dụng.
 
Thực tế cho thấy, kết quả bước đầu thu được từ việc triển khai mô hình “Làng kinh tế sinh thái” ở thôn Tòng Trú 1 đã khẳng định đây là hình mẫu phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên và thực tế ở địa phương đang được tỉnh Lào Cai xem xét, rút kinh nghiệm từng bước nhân ra diện rộng.