Giải mã sự suy giảm chim di trú

ThienNhien.Net – Hai tổ chức bảo tồn chim lớn nhất của Vương quốc Anh đã phối hợp với các đối tác của Tổ chức Bảo tồn chim Quốc tế tại một số quốc gia châu Âu và châu Phi triển khai một dự án lớn nhất từ trước đến nay, nhằm nghiên cứu sâu hơn về các loài chim di trú châu Âu đến miền nam Sa mạc Sahara và sự suy giảm số lượng các loài này.


Một trong những suy giảm đáng lo ngại nhất về số lượng loài chim ở Anh là các loài di trú biết hót như chim cu cu (Cuculus canorus), bồ câu tre (Streptopelia turtur), dạ oanh (Luscinia megarhynchos) và chim đớp ruồi lông đốm (Muscicapa striata). Những loài chim này sinh sản ở châu Âu và di trú đến vùng Cận Sahara của châu Phi.
Số liệu gần đây cho thấy số lượng chim di trú từ châu Âu qua châu Phi đã suy giảm hơn 40% trong ba thập kỷ qua. Một trong số 10 loài này đã được Hiệp hội Bảo tồn Chim Quốc tế xếp vào loài bị đe dọa toàn cầu.

Trong dự án được triển khai, các nhà nghiên cứu đã quan sát các loài chim suốt dọc hành trình từ bờ biển Đại Tây Dương của Ghana đến Bắc Burkina Faso (Tây Phi), bao quát môi trường sống từ vùng rừng mưa nhiệt đới ven biển đến rìa sa mạc Sahara.

Tiến sỹ Danaë Sheehan, một nhà sinh thái học của Hiệp hội bảo vệ chim Hoàng gia Anh, cho biết, sự giảm sút nhanh chóng của các loài chim kể trên đang là mối quan tâm hàng đầu của công tác bảo tồn. Mặc dù đã có hiểu biết tương đối về các loài chim này ở Anh, nhưng các nhà khoa học hầu như chưa hoặc có rất ít nhận thức về diễn biến và cuộc sống của những loài chim này trong suốt giai đoạn trú đông. Song có một điều rất rõ ràng là, nếu không có sự giúp đỡ kịp thời thì sự giảm sút số lượng loài sẽ còn tiếp diễn, và sẽ trầm trọng tới mức báo động.

  Chim cu cu

 “Những loài chim di trú này đã phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy trong suốt hành trình đáng kinh ngạc hàng năm của mình” –Tiến sỹ Erasmus Owusu, Giám đốc điều hành của Hiệp hội động vật hoang dã Ghana. (Ảnh: Naturephoto-cz.eu)

Một số nguyên nhân gây giảm sút số lượng chim di trú được giả định là biến đổi khí hậu, sự thay đổi lượng mưa và sự thoái hóa đất. Gia tăng dân số và khí hậu thay đổi ở vùng Tây Phi cũng góp phần làm trầm trọng thêm nguy cơ này.

Tiến sỹ Chris Hewson, nhà sinh thái học của Hội Ủy thác nghiên cứu chim (Anh), cho rằng chỉ có thể đảo ngược tình thế với một chương trình hành động cấp bách. Các nhà bảo tồn cần tìm hiểu rõ hơn về nơi trú ẩn của các loài chim này trong suốt mùa đông và những khó khăn mà chúng phải đối mặt ở đó. Nếu tìm ra câu trả lời, họ sẽ bảo vệ các loài chim này hiệu quả hơn.

Theo kế hoạch, nhóm nghiên cứu tính toán và khoanh vùng các loài chim ở khu vực Ghana và Burkina Faso, dọc theo các vùng cư trú, từ rừng mưa nhiệt đới rậm rạp đến vùng bán sa mạc. Dựa trên những số liệu ghi chép tại các địa điểm này một số lần trong năm, các nhà nghiên cứu hi vọng sẽ dựng được một bức tranh tổng thể về sự di chuyển và môi trường sống ưa chuộng của các loài chim châu Âu trú đông ở châu Phi. 

Cùng với việc tham gia dự án quan trọng này, Birdlife cũng đã công bố chiến dịch “Born to Travel” (tạm dịch: “Sứ mệnh di cư”) nhằm bảo vệ những loài chim di trú trong suốt chặng đường bay giữa Châu Phi và Châu Âu – Á.