Di chỉ khảo cổ Đầu Rằm tan hoang vì… đá

ThienNhien.Net – Khu di chỉ văn hóa Đầu Rằm (xã Hoàng Tân, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh) đang bị phá hoại nghiêm trọng bởi những hoạt động khai thác đá của Công ty Khai thác đá Tháng Mười, vốn đã diễn ra từ nhiều năm nay.


Mỗi ngày, có khoảng 3 tổ khai thác cùng hoạt động với sản lượng khai thác trung bình trên 50.000m3 đá/năm.

Trao đổi với Báo Công An Nhân Dân, ông Nguyễn Văn Coóng – Giám đốc Công ty cổ phần Khai thác đá Tháng Mười, cho biết, tháng 3/2009, ông có nhận được quyết định của tỉnh về việc thu hồi diện tích khai thác từ 24,6 ha xuống còn 12,5ha. Nhưng trong quyết định không có việc cấm khai thác và thu hồi diện tích trong khu vực Đầu Rằm (khu vực được bảo vệ). Vì vậy, việc khai thác đá vẫn được thực hiện.

Theo ông Coóng, công ty sẵn sàng dừng việc khai thác đá tại các khu vực được bảo vệ nếu có quyết định thu hồi đất và đình chỉ khai thác của tỉnh.

Vừa qua, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng đã có công văn, đề nghị tỉnh Quảng Ninh đình chỉ ngay việc tổ chức khai thác đá tại Đầu Rằm.

Tuy nhiên, để xử lý triệt để vấn đề này, thiết nghĩ các ngành chức năng ở địa phương vẫn cần vào cuộc ráo riết hơn.

Di tích Đầu Rằm được phát hiện và khai quật năm 1988 với hàng trăm hiện vật có giá trị khoa học và lịch sử. Trong đó có hiện vật còn nguyên vẹn cực kỳ quý hiếm như chiếc bình gốm Hoàng Tân, được xếp hạng quốc bảo.

Đây là một di tích văn hoá thuộc thời đại kim khí – một dạng của văn hoá Phùng Nguyên muộn – Đồng Đậu sớm và là điển hình về lịch sử cư trú, phát triển liên tục của nền văn hoá biển Hạ Long. Tại đây, việc khai thác đá đã đánh bay một hố thám sát và già nửa hố khai quật chính trên 40m2 thuộc núi Yên Ngựa và tình trạng này vẫn chưa hề có dấu hiệu chấm dứt.

Theo kết luận của các nhà khảo cổ, Đầu Rằm chính là di tích cư trú của người Việt cổ, gồm 2 giai đoạn cách đây 3.500-3.200 năm và 2.500-2.000 năm – tương ứng với thời đại Hùng Vương trong lịch sử.