Họp Quốc hội: Thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường

Cho ý kiến vào dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội, hầu hết các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 là cần thiết.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được trình để Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Việc xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị; cải cách thể chế môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Toàn cảnh một phiên họp của Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Mục tiêu cao nhất nhằm cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Dự thảo Luật gồm 16 chương, 186 điều, đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường; không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thẩm quyền thẩm định gắn với trách nhiệm

Cho ý kiến vào dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội, hầu hết các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 là cần thiết.

Yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra những thời cơ và yêu cầu mới cho hoạt động bảo vệ môi trường.

Việc tiếp cận, ứng xử với môi trường theo xu thế mới, khoa học hơn, có ý nghĩa quan trọng khi nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng lớn về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Trong các nội dung bàn thảo, nhiều ý kiến quan tâm tới 2 phương án Chính phủ trình Quốc hội về thẩm quyền thẩm định báo cáo tác động môi trường.

Thẩm tra dự Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết phần lớn ý kiến đồng tình với phương án 2 là giao cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thẩm định báo cáo tác động môi trường để quản lý thống nhất và gắn với trách nhiệm theo dõi cấp phép, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc triển khai dự án trên địa bàn quản lý của địa phương.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị kết hợp giữa 2 phương án là giao cho các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức thẩm định báo cáo, quá trình thẩm định phải có sự tham gia và thống nhất của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi triển khai dự án.

Thảo luận nội dung này tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng đánh giá tác động môi trường là vấn đề chuyên môn, phải có chuyên gia, phương tiện, điều kiện nên không phải bộ nào, cơ quan nào cũng có thể đánh giá được. Nội dung này liên quan đến quản lý và xử lý hành chính, vì thế phải rất rõ ràng.

“Nên giao cho cơ quan chuyên môn, có năng lực, trình độ để đánh giá tác động môi trường; đồng thời phân loại từng cấp độ dự án để làm rõ dự án nào trung ương đánh giá, dự án nào có thể phân cấp cho địa phương, nhưng địa phương cũng phải có cơ quan chuyên môn làm việc này,” Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Đề nghị nâng mức xử phạt vi phạm môi trường

Qua thảo luận, nhiều ý kiến nêu rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu đô thị, khu vực nông thôn, khu dân cư tập trung.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc đến 3 trụ cột phát triển bền vững, đó là kinh tế, xã hội và môi trường, do đó vấn đề bảo vệ môi trường rất quan trọng. Luật Bảo vệ môi trường cần giải quyết những bất cập và đưa vào những quy định phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước.

Nhấn mạnh “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế,” Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các tiêu chuẩn môi trường đặt ra cũng không gây cản trở cho sự phát triển kinh tế.

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đề nghị nâng mức xử phạt đối với những vi phạm về môi trường để đảm bảo tính răn đe.

Liên quan đến vấn đề chất thải, một số ý kiến đề nghị xem xét thêm lộ trình phân loại chất thải ở đô thị, ở khu vực nông thôn; cần tiếp tục rà soát, cân nhắc bảo đảm phù hợp điều kiện thực tiễn quy định cơ sở xử lý chất thải nguy hại liên tỉnh, liên vùng; cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải được quy hoạch, xây dựng cho phạm vi liên xã trở lên.

Đại biểu đề nghị nâng mức xử phạt đối với những vi phạm về môi trường để đảm bảo tính răn đe. (Nguồn: TTXVN)

Các ý kiến cho rằng nhiều nội dung về quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường nằm rải rác ở nhiều chương, điều khác nhau; cần xem xét kỹ nội dung để bảo đảm tính đồng bộ giữa yêu cầu và trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm. Đồng thời, nhiều ý kiến đề nghị xem xét kỹ quy định về thanh tra, kiểm tra đột xuất để phù hợp với Luật Thanh tra, tránh tình trạng áp dụng tùy tiện gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.

Một số ý kiến cho rằng có sự khác nhau của dự thảo Luật với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhất là việc mở rộng chủ thể có quyền xử phạt; quy định sử dụng 50% tiền thu được từ xử phạt để lại cho cơ quan, tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý… cần cân nhắc thêm.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về hình sự, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính; pháp luật về đầu tư; về bảo đảm an ninh nguồn nước, phát triển năng lượng tái tạo; về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường; thiết lập cơ sở pháp lý bảo đảm quyền của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại được khởi kiện đòi bồi thường phù hợp với quy định pháp luật về dân sự và đặc thù của thiệt hại về môi trường.