Các nước nghèo tăng đầu tư cho khoa học

ThienNhien.Net – Số liệu mới công bố ngày 06/10 của Bản Điều tra Thống kê khoa học và công nghệ lần thứ ba do Viện Thống kê UNESCO (UIS) tiến hành cho thấy trong giai đoạn 2002 – 2007, tỷ lệ gia tăng chi phí đầu tư vào khoa học của các quốc gia đang phát triển đã tăng gấp 3 lần so với các quốc gia giàu.


Số lượng các nhà khoa học của các quốc gia đang phát triển cũng tăng mạnh từ 1,8 triệu lên tới 2,7 triệu người trong giai đoạn 2002 – 2007.

Bản điều tra cho thấy xét về một số phương diện, khoảng cách về mức độ đầu tư vào lĩnh vực khoa học giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển đang dần thu hẹp lại.

Trong suốt giai đoạn được điều tra trên, chi phí dành cho hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của các quốc gia phát triển chỉ tăng lên khoảng 1/3 (32%), trong khi các quốc gia đang phát triển đã tăng gấp đôi khoản chi của mình (103%), từ 135 tỉ USD lên 274U tỉ USD.

Tỷ lệ gia tăng số lượng các nhà khoa học tại các quốc gia đang phát triển năm 2002 là 30%, nhưng đến năm 2007 con số này đã là 38%.

Kết quả điều tra cũng cho thấy các nước đang phát triển đã tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển với tổng chi phí chiếm 0,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2002 đã tăng lên tới 1% vào năm 2007, trong khi con số này tại các quốc gia phát triển là 2,3%.

Thống kê không cho thấy sự khác biệt lớn giữa các quốc gia đang phát triển tiến bộ so với những quốc gia phát triển ở tốp dưới. Chẳng hạn, Trung Quốc đã tăng lượng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển lên 1,5% GDP vào năm 2007 với số lượng các nhà nghiên cứu chiếm hơn một nửa (53%) tổng số các nhà nghiên cứu của các quốc gia đang phát triển.

Ngoài Trung Quốc, chỉ có 6 quốc gia chi hơn 1% GDP cho nghiên cứu khoa học.

Thậm chí trong số 50 quốc gia phát triển chậm nhất (theo tiêu chuẩn phân loại của Liên Hợp Quốc) thì số nhà khoa học vẫn tăng trung bình 20%. Số lượng các nhà khoa học trên mỗi triệu người dân cũng tăng nhẹ – từ 40 đến 43. Tuy nhiên, các quốc gia này vẫn chỉ có 0,5% số nhà nghiên cứu trên thế giới.

Tại Nam Phi, số lượng các nhà nghiên cứu đã tăng lên gần 1/3 (31%) trong giai đoạn 5 năm 2002-2007. Con số này cũng cho thấy số nhà nghiên cứu đã tăng thêm 18% trên một triệu người dân (từ 51 lên 60), một yếu tố được các nhà kinh tế coi là chỉ số đầu tư cho khoa học của đất nước.

Với các quốc gia còn lại của châu Phi, số lượng các nhà khoa học cũng tăng tới 34%, từ 32 000 lên 43 000 người. Ngoài Nam Mỹ, không còn quốc gia Châu Phi nào chi hơn 1% GDP cho hoạt động nghiên cứu phát triển.

Peter Tindermans, cựu chủ tịch của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Diễn đàn Phát triển Khoa học Toàn cầu cho biết: “Mỹ không thể chi nhiều hơn con số hiện thời là 2,7% GDP cho nghiên cứu phát triển nhưng Trung Quốc sẽ có khả năng tăng khoản chi hiện thời từ 1,6% lên trên 2%.”

Trong khi đó, ông Geoff Oldham lại cho rằng nghiên cứu chỉ là một trong số các điều kiện cần để đổi mới và nếu các quốc gia đang phát triển chưa mở rộng các dịch vụ khoa học công nghệ, thiết kế kỹ thuật và tất cả các hoạt động cần thiết khác cho đổi mới thì rất có thể họ sẽ phải thất vọng với những kết quả đạt được. Điều này trước đây đã từng xảy ra, đặc biệt tại Mỹ La-tinh vào thập niên 1970.

Ông Sospeter Muhongo, Giám đốc điều hành của Hội đồng Quốc tế về Khoa học tại Châu Phi lại cho biết, các quốc gia phát triển có tới 80% tài liệu xuất bản trong các tạp chí khoa học, trong khi các quốc gia đang phát triển chỉ chiếm 20%.

Số liệu thống kế được tập hợp vào năm 2008 từ 149 quốc gia và vũng lãnh thổ đang phát triển dựa trên số liệu do các chính phủ cung cấp và chưa được kiểm chứng độc lập.