Vĩnh Long: Phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường bền vững

Năm 2008, nuôi trồng thủy sản ở Vĩnh Long (chủ yếu là cá tra công nghiệp) tiếp tục phát triển mạnh nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Đấu đã yêu cầu các địa phương khắc phục ngay những hạn chế của năm 2007, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người dân, cơ sở, doanh nghiệp phát triển thủy sản đúng quy hoạch, gắn vùng nguyên liệu với chế biến và đặc biệt phải gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

Cụ thể trong năm 2008, Vĩnh Long phấn đấu nâng giá trị nông, lâm, thủy sản từ 5.225 tỷ đồng (năm 2007) lên trên 5.480 tỷ đồng, trong đó giá trị thủy sản là 658 tỷ đồng, tăng so với năm 2007 trên 110 tỷ đồng. Năm nay, Vĩnh Long phấn đấu đạt sản lượng trên 100.000 tấn, trong đó nuôi trồng đạt 97.000 tấn.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng thủy sản thay thế các sản phẩm gia súc, gia cầm và nguyên liệu phục vụ chế biến thủy sản xuất khẩu đều tăng cao đã đẩy giá thủy sản tăng mạnh nên dự báo phong trào đầu tư phát triển thủy sản trong năm 2008 tiếp tục tăng mạnh.

Diện tích nuôi trồng thủy sản ở Vĩnh Long đã phát triển lên tới trên 2270 ha mặt nước với các hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh trong ao hầm, lồng, bè , nuôi thả trên ruộng lúa…Trong đó có 450 ha đất bãi bồi ven sông được sử dụng nuôi cá tra công nghiệp, tập trung nhiều ở các xã cù lao thuộc huyện Long Hồ, các xã Tân An Thạnh – huyện Bình Minh, Lục Sỹ và Phú Thành – huyện Trà Ôn.

Bình quân mỗi ha nuôi cá tra công nghiệp cho năng suất 300 tấn/năm và năng suất bình quân mỗi lồng, bè là 20 tấn/năm. Trung bình mỗi ha đất bãi bồi đầu tư nuôi cá tra công nghiệp cho thu nhập từ 1,4 tỷ đến 4 tỷ đồng trong một năm.

Về sản lượng, theo Chi cục Thủy sản Vĩnh Long, sản lượng thủy sản ở Vĩnh Long năm 2007 ước đạt hơn 110.000 tấn, tăng trên 45.000 tấn (tăng 79%) so với năm 2006. Trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt trên 89.000 tấn, tăng mạnh so với năm 2006. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức trong các lớp khuyến ngư, năm 2008 Vĩnh Long sẽ hướng dẫn người dân chú trọng phát triển thủy sản đúng quy hoạch vùng sản xuất cá nguyên liệu, không phát triển tràn lan, ồ ạt, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.

Tỉnh sẽ tiếp tục tận dụng mặt nước bãi bồi trên các sông, các xã cù lao để phát triển diện tích nuôi cá theo hướng công nghiệp, mở rộng diện tích nuôi tôm, cá xen ruộng lúa, nuôi trong muơng vườn hoặc chuyển những vùng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá.

Tất cả các cơ sở nuôi thủy sản đều phải tuân thủ các quy trình bảo vệ môi trường, mỗi ao, hồ nuôi thả cá phải dành một diện tích ao nhất định để lắng lọc, xử lý nước thải cục bộ trước khi thải ra môi trường, nhất là ở những nơi đang có phong trào đào ao, hầm thả cá mạnh như dọc tuyến kênh Ruột Ngựa (huyện Mang Thít) và khu vực 1 số xã ở huyện mới Bình Tân.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương phải có biện pháp xử lý mạnh, kiên quyết đối với 4 cơ sở nuôi cá tra tại Cái Côn, xã Tân An Thạnh, huyện Bình Minh đang gây ô nhiễm nguồn nước do khi nước thủy triều lên thì lấy nước từ sông Hậu vào các ao nuôi nhưng khi thủy triều xuống lại xả thẳng nước thải từ ao nuôi ra sông Sép, không qua lắng lọc xử lý cục bộ, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và sức khỏe của hàng trăm hộ dân 2 ấp An Thành, An Thạnh của xã.

Đồng thời, năm 2008 Vĩnh Long cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển các nhà máy chế biến thủy sản, phát triển mô hình khép kín từ sản xuất con giống, nuôi thả các nguyên liệu, chế biến xuất khẩu thủy sản.

Công ty TNHH Đồng Phú của ông Dương Văn Do không chỉ phát triển mạnh việc nuôi trồng cá nguyên liệu đạt sản lượng 22.000 tấn trong năm 2007mà đang đẩy nhanh tiến độ thi thi công Nhà máy chế biến thủy sản có công suất 200 tấn/ngày tại xã Mỹ An huyện Mang Thít để đưa nhà máy vào hoạt động vào giữa năm 2008.

Công ty cổ phần thủy sản An Phước không chỉ đầu tư nuôi thả trên 60 ha cá tra nguyên liệu mà còn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến có công suất 300 tấn/ngày, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong quý 03/2008. Công ty thủy sản Hùng Vương không chỉ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản mà đang nỗ lực nuôi trồng thủy sản, phấn đấu đảm bảo 40% nguồn cá nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.

Riêng đối với số hộ dân thuê đất bãi bồi nuôi thả thủy sản ở huyện Mang Thít tự ý cắm cọc dừa bao lấn dòng sông không thỏa thuận với cơ quan quản lý đường sông để lập phương án thả phao báo hiệu ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương phải rà soát lại và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cùng với việc khắc phục những sai sót, bổ sung các thủ tục cho thuê đất đúng quy định đối với số hộ này, UBND huyện Mang Thít phải rà soát lại các phần đất bãi bồi đã cho thuê, nếu chỗ nào chưa khai thác sử dụng được phải thu hồi lại, khi nào đủ điều kiện mới cho thuê tiếp, không để tái diễn tình trạng các hộ tự ý cắm cọc “bảo vệ” ranh bãi bồi nhưng thực chất là cắm cọc lấn sông chờ phù sa bồi lắng để mở rộng diện tích bãi bồi.