Mỹ Tho “Về sông ăn cá về đồng ăn cua…”

Theo lời “rủ rê” của “chiến hữu” Nguyễn Thành Công – Giám đốc Cảng Mỹ Tho về cuộc họp mặt thắm tình đồng đội, cả đoàn lên đường về Mỹ Tho (Tiền Giang). Sau một ngày lênh đênh trên sông nước, du khách sẽ vừa được thả mình vào hương đồng gió nội, vừa thưởng thức những món dân dã được chế biến từ cua, cá của ruộng đồng…

Ông Nguyễn Minh Chánh, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Khánh Sơn, vốn là dân quân ngũ, hồ hởi nói: “Năm nay “phe ta” hội ngộ truyền thống ngay cửa ngõ miền Tây, trước là “ôn cố tri tân” những tháng ngày chiến đấu gian khổ mà hào hùng, sau là thưởng thức đặc sản hương đồng cỏ nội đậm đà chất Nam Bộ.

Hiện Mỹ Tho đang vươn mình mạnh mẽ nhờ việc khai thác ngành công nghiệp “không khói”…”. Quả có vậy, thời buổi “Việt Nam – Điểm đến thân thiện”, có khá nhiều tour đi về trong ngày đến với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được các công ty du lịch nội địa chào mời với khung giá khá “mềm”.

Những ai yêu thích thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, thăm vùng đất địa linh nhân kiệt có thể tìm đến Công ty Trần Đặng – Sinh càphê theo tour TP. Hồ Chí Minh – Mỹ Tho – Bến Tre . Còn ai yêu cảm giác mạnh có thể đồng hành tour “có lửa” cùng Dã ngoại Lửa Việt “quá cảnh” TP. Mỹ Tho – Tiền Giang rồi về thăm trại rắn Đồng Tâm, xem hổ mang chúa phùng mang trợn mắt…

Du lịch đồng quê

Có nhiều cách khai thác tour du lịch khác nhau, nhưng hầu như các tour ngắn ngày đều chọn điểm xuất phát là thành phố Mỹ Tho – cửa ngõ của miền Tây với hệ sinh thái phong phú, sông nước hiền hoà, cỏ cây tươi tốt…

Sau khoảng 2 giờ từ TP. Hồ Chí Minh đến Mỹ Tho, du khách có thể “khởi động” hành trình khám phá từ chùa cổ Vĩnh Tràng. Dạo bước qua những góc phố, con đường của chợ cũ “Mỹ Tho – nơi từng được phong tặng là Mỹ Tho đại phố” vào năm 1967 (một trong 3 khu trung tâm mua bán sầm uất của Nam Bộ cùng với Cù lao phố ở Biên Hòa và Hà Tiên), sau đó xuống thuyền lênh đênh sông nước…

Hủ tiếu Mỹ Tho sẽ là món khai vị không thể thiếu trong “cuộc hành trình” Mỹ Tho đại phố. Nhưng độc đáo hơn hẳn vẫn là món đặc sản bún gỏi già do chiến hữu Chánh “già” chiêu đãi. Món ăn này gần giống bún mắm do cùng có chung chất nêm nếm là mắm cá linh, nhưng bún gỏi già đậm đà hơn với vị me ngào chua chua ngọt ngọt, hoà quyện với vị đậm đà của tôm tép luộc…

Và thật đặc biệt, là món ngon Nam Bộ nhưng rau ăn ghém chủ đạo kèm theo lại là rau muống – hương vị Bắc Bộ. Có lẽ nhờ sự “can thiệp” của những cọng bông hẹ và bông chuối, món gỏi có chất liệu rau “dọc dài đất nước” mang hương vị rất riêng.

Ở ĐBSCL, hệ thống kênh rạch chằng chịt luôn mang đến cho du khách cảm giác thư thái cùng những khám phá mới lạ dưới tán lá thấp của hệ sinh thái đặc thù. Trong lênh đênh sóng nước, còn gì thú vị hơn là vừa cúi mình tránh cành lá thấp ven bờ, vừa nhâm nhi chút “cồn” – nước mắt quê hương để chờ ghé thăm hằng hà sa số những địa danh hấp dẫn…

Cồn Thới Sơn – sơn thuỷ hữu tình

Nằm ở hạ lưu sông Tiền, cồn Thới Sơn (còn gọi là cù lao Thới Sơn) có diện tích khoảng 1.200ha. Được phù sa bồi đắp, cồn Thới Sơn là vùng chuyên canh cây ăn trái rất phong phú và đặc biệt quyến rũ với những hàng thuỷ liễu, dừa nước ven bờ nghiêng mình soi bóng xuống dòng kênh xanh mát.

Có thể thấy rõ “chất Nam Bộ” trong không gian nhà cổ đủ bộ phong thuỷ: kiên – trừ – mãn – bình – định – chấp – phá – nguy – thành, và thả hồn theo điệu Nam Ai với dàn đờn ca tài tử… Người dân hiếu khách nơi đây còn giới thiệu cho bạn dòng văn hoá ẩm thực đậm chất dân dã: cá nướng ống tre, cá lóc hấp bầu, tai tượng chiên xù, cá trê thui rơm… Những tâm hồn đồng điệu, có thể làm hài lòng du khách, nhất là khi được mục sở thị quy trình “ép gạo – ra nước – lên men” làm thức uống cay nồng đầy hưng phấn…

Sau “cơn” sảng khoái của chuyến thăm thú sinh thái nhà vườn, du khách có thể lật tiếp trang nhật ký hành trình để đến với Bến Tre, luồn trong chợ Lách thưởng thức trái cây ngon Nam Bộ, và thưởng thức các món cá, cua hay trực chỉ trại rắn Đồng Tâm xem hổ mang chúa.

Cách thành phố Mỹ Tho chưa đầy 10km, Trung tâm Nuôi trồng nghiên cứu Chế biến dược liệu Quân khu 9, còn gọi là Trại rắn Đồng Tâm luôn kích thích trí tò mò của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Tiền Giang. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm nơi đây thu hút khoảng 40.000 du khách đến tham quan. Khu vực hấp dẫn nhất chính là nơi nuôi thả bán thiên nhiên và “tư gia” của rắn hổ chúa.

Ở nơi nuôi thả bán thiên nhiên, du khách có thể tận mắt chứng kiến hoạt động của các loại rắn: bơi dưới nước, uốn mình trên cành cây và nếu may mắn có thể mục sở thị đôi vợ chồng rắn…Duy trì nòi giống! ấn tượng nhất vẫn là “chân dung” rắn hổ chúa với ngoại hình to lớn như trăn trưởng thành, đường kính vòng thân có thể đến cả tấc và thức ăn của “ngài” (theo lời kể của nhân viên trại rắn) khoảng 1, 5kg rắn độc mỗi ngày. Rắn dù độc đến đâu, hung dữ nhường nào khi hiện diện trước hổ chúa đều hiền hòa như… thóc với khoai.

Hiện nay, ngoài việc phục vụ nhu cầu tham quan thưởng ngoạn của du khách gần xa, Trại rắn Đồng Tâm còn là điểm cấp cứu trị liệu rắn cắn rất hiệu quả, bình quân mỗi năm tiếp nhận và điều trị hiệu quả cho khoảng hơn 500 ca bị rắn độc cắn và rất nhiều năm nay không có ca nào tử vong…

Chia tay bạn hữu để trở về với bộn bề cuộc sống, mang theo từ Mỹ Tho tin vui dành cho những người bận rộn và yêu thích cảm gác mạnh qua đường du lịch… ngắn ngày: Để ngày càng thu hút khách du lịch, Sở Du lịch – Thương mại Tiền Giang đang phối hợp đầu tư nâng cấp Trại rắn Đồng Tâm, trồng thêm cây xanh và bổ sung nhiều giống thú quý hiếm khác. Có dịp đến nơi này, bạn sẽ không bao giờ hối tiếc vì đã vượt quãng đường xa xôi, bởi lúc ra về, ngoài những hoa trái tươi ngon, bạn còn có biết bao câu chuyện thú vị kể lại cho bạn bè, người thân…