Bảo tàng làm từ chai nhựa và túi ni lông ở Indonesia

Một bảo tàng làm hoàn toàn từ nhựa ở Indonesia đã gửi thông điệp về cuộc khủng hoảng nhựa đại dương ngày càng tồi tệ trên thế giới, thuyết phục mọi người nói không với túi sử dụng một lần và chai nhựa.

Triển lãm ngoài trời diễn ra ở thị trấn Gresik, phía Đông Java đã mất ba tháng để lắp ráp và được tạo thành từ hơn 10.000 đồ phế thải nhựa, từ chai lọ, túi xách đến gói và ống hút, tất cả đều được thu gom từ các con sông và bãi biển bị ô nhiễm.

Hàng nghìn chai nhựa được treo lơ lửng trong bảo tàng nhựa ở thị trấn Gresik, phía đông đảo Java, Indonesia. (Ảnh: Reuters)

Người sáng lập bảo tàng, anh Prigi Arisandi cho biết: “Chúng tôi muốn gửi thông điệp đến người dân để ngừng sử dụng đồ nhựa dùng một lần.”

Trung tâm triển lãm là bức tượng được có tên là “Dewi Sri”, một nữ thần thịnh vượng được người Java tôn thờ rộng rãi. Chiếc váy dài của cô được làm từ những gói đồ gia dụng chỉ sử dụng một lần.

Hình ảnh bức tượng được “Dewi Sri”, một nữ thần thịnh vượng được người Java tôn thờ rộng rãi trong bảo tàng nhựa ở thị trấn Gresik, phía đông đảo Java, Indonesia. (Ảnh: Reuters)

“Những loại nhựa này rất khó tái chế … Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta nên ngừng tiêu thụ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần vì nó sẽ gây ô nhiễm đại dương, cũng là nguồn cung cấp thực phẩm cho con người.”

Vấn đề rác thải nhựa đặc biệt nghiêm trọng ở Indonesia, một quốc gia quần đảo đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc về khối lượng nhựa đổ ra biển hàng năm.

Một tấm biển với nội dung “Sông Brantas bị ô nhiễm vì nhựa” được trưng bày trong bảo tàng nhựa ở thị trấn Gresik, phía đông đảo Java, Indonesia. (Ảnh: Reuters)

Cùng với Philippines và Việt Nam, bốn quốc gia chịu trách nhiệm về hơn một nửa lượng rác thải nhựa đổ đại dương, những nỗ lực của Indonesia nhằm điều chỉnh việc sử dụng bao bì nhựa đã mang lại kết quả không như mong đợi.

Các tình nguyện viên kiểm tra hàm lượng vi nhựa trên mẫu nước lấy từ sông, tại phòng thí nghiệm thuộc sở hữu của nhóm hoạt động môi trường Indonesia (ECOTON) ở quận Gresik gần Surabaya, tỉnh Đông Java, Indonesia. (Ảnh: Reuters)

Triển lãm đã thu hút hơn 400 khách tham quan kể từ khi mở cửa vào đầu tháng trước.

Anh Ahmad Zainuri, một sinh viên cho biết triển lãm đã giúp anh mở rộng tầm mắt trước vấn đề môi trường toàn cầu: “Tôi sẽ chuyển sang sử dụng túi vải và khi tôi mua đồ uống, tôi sẽ sử dụng một cái cốc của riêng mình.”

Bảo tàng đã trở thành một địa điểm chụp ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nơi du khách có thể tạo dáng trên nền là hàng nghìn chai nhựa lơ lửng.

Bảo tàng đã trở thành một địa điểm chụp ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. (Ảnh: Reuters)

“Tôi sẽ phải mua những thứ có thể tái sử dụng như những bình uống nước thay vì chai nhựa sử dụng một lần”, sinh viên Ayu Chandra Wulan nói. “Nhìn số lượng chất thải khổng lồ ở đây, tôi thực sự cảm thấy rất buồn.”