Hỗ trợ phục hồi sau thiên tai ở Đông Á Thái Bình Dương

ThienNhien.Net – Từ 05/10, các nhà tài trợ của Quỹ toàn cầu về giảm nhẹ và phục hồi thiên tai (GFDRR) từ Phần Lan, Pháp, Nhật Bản, Lúc-xem-bua, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Anh Quốc, Liên minh châu Âu, Chương trình Chiến lược Liên Hợp Quốc về giảm nhẹ thiên tai (UNISDR) cùng Ngân hàng Thế giới đã bắt đầu chuyến thăm Việt Nam trong 3 ngày, để tìm hiểu thêm về các hoạt động mà quốc gia chịu nhiều thiên tai này đã và đang chuẩn bị trước những ảnh hưởng tàn phá của bão, lũ, động đất và các thiên tai khác…


Chuyến thăm lần này cho thấy vai trò chủ chốt của khu vực Đông Á Thái Bình Dương trong Chiến lược toàn cầu giảm nhẹ và quản lý thiên tai. Các nhà tài trợ sẽ gặp gỡ các cơ quan chính phủ, nhân viên GFDRR và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam để thảo luận ảnh hưởng của thiên tai gần đây trong khu vực và phương hướng hỗ trợ các sáng kiến của chính phủ về phục hồi cũng như tái thiết bền vững sau thiên tai.

Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi cơn bão Ketsana đổ bộ vào Phi-líp-pin và Việt Nam tuần trước gây tổn thất nặng về người và của. Qua đây, thấy được tầm quan trọng của việc quản lý rủi ro thiên tai và phát triển các dự án cộng đồng phòng chống thiên tai, là một phần không thể thiếu trong công tác xử lý thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Per Byman – Tổ chức Hợp tác phát triển Thụy Điển và là đồng chủ tịch Quỹ GFDRR phát biểu: “Các nước trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương bị ảnh hưởng bởi 50% tổng số thảm họa thiên nhiên và 82% người dân bị ảnh hưởng từ các hiểm họa sống tại khu vực này. GFDRR đang đưa ra một cách tiếp cận có hệ thống và sáng tạo để giảm thiểu hiểm họa thiên tai cũng như thích ứng với thay đổi khí hậu trong khu vực. Cách thức tiếp cận này cung cấp cho các nước Đông Á Thái Bình Dương công cụ thích hợp để đưa vấn đề xử lý thảm họa lên kế hoạch phát triển, nhằm giảm thiểu các tác động kinh tế và xã hội khi thảm hỏa xảy ra”.

Với sự hỗ trợ từ Quỹ GFDRR, một chiến lược đang được triển khai tại khu vực châu Á, tập trung hỗ trợ các Chương trình giảm thiểu các hiểm họa thiên tai do các quốc gia làm chủ. Đồng thời, Quỹ GFDRR cũng đang tích cực liên kết với chính quyền các nước để củng cố thể chế, tổ chức liên quan đến giảm thiểu hiểm họa thiên tai, lồng ghép các biện pháp thích ứng thiên nhiên vào kế hoạch phát triển, chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp khẩn cấp, hồi phục, và phát triển các công cụ thích hợp để hỗ trợ tài chính cho các hoạt động về hiểm họa thiên tai.

Tại Việt Nam, được hỗ trợ khoảng 1 triệu đô la Mỹ từ Quỹ GFDRR, Ngân hàng thế giới đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam để lồng ghép việc giảm thiểu các hiểm họa thiên nhiên vào các sáng kiến phát triển ở miền núi phía Bắc Việt Nam; cải thiện mô hình thoát nước cho các thành phố ven biển có địa thế thấp; cung cấp cho lãnh đạo các thành phố công cụ đánh giá và cải thiện khả năng ứng phó thiên tai; nâng cao nhận thức, khả năng ứng phó của cộng đồng về các hiểm họa thiên nhiên và cung cấp cách đánh giá toàn diện về các công cụ tài chính sẵn có nhằm hỗ trợ cho thiệt hại từ thiên tai.

Từ nguồn kinh phí này, rất nhiều cơ quan nhà nước, các nhà tài trợ và các Tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực giảm thiểu thiên tai đã tham gia vào một chương trình truyền thông về Giảm thiểu hiểm họa thiên tai dựa vào cộng đồng. Chương trình này bao gồm nhiều nội dung khác nhau, cụ thể là: Xây dựng và phát sóng một bộ phim tài liệu đề cập đến giải pháp quản lý hiểm họa thiên tai tại các địa phương và bài học từ việc áp dụng các giải pháp đó; Thảo luận trên truyền hình về việc triển khai Giảm thiểu hiểm họa thiên tai dựa vào cộng đồng tại Việt Nam và một Cuộc thi ảnh mang tên “Việt Nam, Thiên tai và Con người”.

Hai hoạt động đầu tiên đã được phát nhiều lần trên truyền hình Việt Nam, tạo ra một hiệu ứng ủng hộ lớn, đóng góp cho Chính phủ trong việc phê duyệt Chương trình mới về quản lý hiểm họa thiên tai dựa vào cộng đồng vào tháng 07/2009. Chương trình này của Chính phủ sẽ được triển khai tại hơn 10.000 xã trên cả nước trong 10 năm tới.

Ngoài ra, sau khi Quỹ GFDRR được thành lập, một dự án quan trọng mang tên Chương trình Xây dựng Năng lực, Vận động, và Phát triển thể chế quản lý hiểm họa đã được thực hiện, nhằm tăng cường điều phối và lồng ghép các hoạt động quản lý hiểm họa thiên nhiên vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại các ngành khác nhau. Giai đoạn hai của chương trình đang được triển khai tập trung để củng cố hệ thống cảnh báo sớm, quản lý hiểm họa thiên tai dựa vào cộng đồng và lồng ghép việc khắc phục thiên tai với việc đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng.

Tại khu vực, từ tháng 06/2009, Ban thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Chương trình Chiến lược của Liên Hợp Quốc về Giảm thiểu hiểm họa thiên tai (UNISDR) và Ngân hàng Thế giới đã cùng thông báo một chương trình hợp tác trong khuôn khổ Hợp phần 1 của Quỹ GFDRR, để nâng cao việc quản lý và giảm thiểu hiểm họa thiên tai tại Đông Nam Á.

Mục đích của Chương trình này là giúp các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam hạn chế tổn thương đối với các hiểm họa thiên tai, từ đó bảo vệ người dân tại các nước này khỏi ảnh hưởng thiên tai trong tương lai. Chương trình này là một phần quan trọng của Hiệp định hợp tác về giảm thiểu hiểm họa thiên tai ba bên giữa Ban thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á, UNISDR và Ngân hàng Thế giới. Chương trình đưa ra một khung làm việc về hỗ trợ kỹ thuật từ Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới để giúp các nước Đông Nam Á hoạch định, triển khai các chiến lược và kế hoạch hành động để giảm thiểu – quản lý hiểm họa thiên tai; xây dựng năng lực cho các nước Đông Nam Á; huy động các nguồn lực cho các sáng kiến và giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm kiến thức thực tiễn để giảm thiểu hiểm họa thiên tai tại các quốc gia này một cách hiệu quả.

Ông John Roome, Giám đốc của Chương trình phát triển bền vững khu vực Đông Á Thái Bình Dương thuộc Ngân hàng thế giới nói: “Một loại thiên tai gần đây tại khu vực Đông Á Thái Bình Dương cho thấy cần hỗ trợ các nước trong khu vực thích ứng tốt hơn đối với ảnh hưởng lên cơ sở vật chất, xã hội và kinh tế. Do đó, các nhà tài trợ đang tăng cường nỗ lực thông qua GFDRR. Chuyến thăm này là một cơ hội tốt để chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn với các khu vực khác trên thế giới”.

Quỹ toàn cầu về giảm nhẹ và phục hồi thiên tai (GFDRR) là quỹ hợp tác của 21 quốc gia và các tổ chức quốc tế với cam kết giúp đỡ các nước đang phát triển giảm thiểu sự tổn thương từ các hiểm họa thiên tai và thích nghi với thay đổi khí hậu. Quỹ GFDRR cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nước có thu nhập thấp – trung bình có hiểm họa thiên tai cao dựa trên một mô hình chuẩn bị trước hiểm họa, lồng ghép việc giảm thiểu hiểm họa vào chiến lược và kế hoạch phát triển quốc gia, xử lý sau hiểm họa. Nhiệm vụ toàn cầu của GFDRR là thúc đẩy kiến thức và thực tiễn toàn cầu, khuyến khích hợp tác Nam – Nam về giảm thiểu thiên tai. Có thể truy cập website www.gfdrr.org để biết thêm chi tiết.