Nên quốc hữu hóa hay tư nhân hóa ngành cấp nước?

ThienNhien.Net – Câu hỏi thật không dễ trả lời. Nhiều chuyên gia cho rằng các chính phủ nên chuyển giao quyền khai thác và việc quản lý cấp nước cho khối tư nhân. Tuy nhiên, những câu chuyện xảy ra dưới đây cho thấy, tư nhân hóa và thương mại hóa ngành cấp nước chỉ nên xúc tiến nếu kèm theo những điều kiện nhất định.


Nước được ví là “vàng xanh” của thế giới, hay “dầu mỏ trong thế kỷ 21”. Tuy nhiên, sai lầm trong công tác quản lý nước cộng với sự bùng nổ dân số đã khiến nguồn tài nguyên này cạn kiệt và suy thoái nhanh chóng, đẩy cuộc khủng hoảng nước ngày càng trầm trọng.

Theo báo cáo thường niên năm 2007 của Tổ chức Water For People (tạm dịch: Nước cho nhân dân), mỗi ngày thế giới có gần 6.000 người chết vì những căn bệnh liên quan đến nước, phần lớn trong số này là trẻ em. Với hậu quả là hơn 2 triệu nạn nhân mỗi năm – các căn bệnh liên quan đến nước thậm chí còn đáng sợ hơn cả thảm họa do chiến tranh và thiên tai cộng lại.

Đầu tháng 3 năm nay, Hội nghị toàn cầu về nước lần thứ 5 diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ với hơn 25000 đại biểu đại diện cho 182 quốc gia. Đây là sự kiện lớn về nước được tổ chức định kỳ 3 năm một lần, do Hội đồng Nước thế giới chủ trì. Song, cùng với thời điểm này, cũng ngay tại Istabul, một phong trào đòi quyền công bằng về nước mang tên Diễn đàn nước của Nhân dân cũng đã nhóm họp để phản đối hội nghị.

Phong trào này yêu cầu Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cần đứng ra tổ chức hội nghị cấp quốc tế để đưa vấn đề nước trở thành quyền con người, bãi bỏ hoàn toàn sự tư hữu hóa, thương mại hóa ngành cấp nước và dịch vụ vệ sinh.

Châu Mỹ La tinh là nơi có tỷ lệ phân hóa giàu – nghèo cực kỳ rõ rệt. Điều này phần nào thể hiện qua sự bất cân bằng về phân bố lượng nước cấp cho mỗi người dân. Hơn 130 triệu người sống trong khu vực thiếu nước sạch. Điều kiện vệ sinh thậm chí còn thì tồi tệ hơn – cứ 6 người thì có đến 5 người không được hưởng dịch vụ vệ sinh tối thiểu.

Thực ra, cuộc tranh cãi này không hề mới. Từ đầu thập niên 90, quá trinh tư nhân hóa ngành nước trên diện rộng đã được hỗ trợ bởi các định chế tài chính quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển liên châu Mỹ.

Xung đột xảy ra thường xuyên kể từ thời điểm đó. Mỹ La tinh trở thành trung tâm của các phong trào chống tư nhân hóa, thương mại hóa ngành nước, khởi đầu bằng sự kiện trục xuất tập đoàn đầu tư khổng lồ Bechtel của người dân thành phố Cochabamba, Bolivia.

Tẩy chay tư nhân hóa ngành nước ở Mỹ La Tinh

Tư nhân hóa và thương mại hóa là hai quá trình hoàn toàn khác biệt. Tư nhân hóa tập trung vào vấn đề cải tổ và quản lý bởi khối ngoài nhà nước, liên quan đến chế độ sở hữu tư nhân, còn thương mại hóa gắn với việc đưa vào các thể chế quản lý, chẳng hạn như một thị trường tự do cạnh tranh. Tuy nhiên, hai quá trình này thường xảy ra đồng thời, như trường hợp tại Cochabamba.

Ban đầu, tư nhân hóa nước không bị phản đối ở Mỹ Latinh bởi trong khi chính phủ các nước này không đủ năng lực đảm bảo cung cấp nước đầy đủ cho người dân thì các dự án tư nhân hóa – được tài trợ bởi Ngân hàng thế giới – dường như là giải pháp hữu hiệu. Người ta từng kỳ vọng rằng sự cạnh tranh giữa các công ty sẽ đưa nước trở thành hàng hóa thương mại, khiến người dân bỏ thói quen dùng nước vô tội vạ. Thương mại hóa sẽ giúp chống lãng phí nước.

Nhưng thực tế là sự độc quyền của các công ty đã đẩy giá nước tăng cao trong khi chất lượng nước rất thấp. Vấn đề ở đây là các công ty đã ý thức được nước là nhu cầu tất yếu của người dân nhưng lại làm ngơ quyền con người về nước.

Cuộc chiến nước sạch tại Bolivia

Bolivia là minh họa điển hình về cuộc chiến chống tư nhân hóa và thương mại hóa ngành nước. Năm 1997, chính phủ nước này đã chập thuận hai sự nhượng bộ để có được khoản vay 20 triệu đô la từ Ngân hàng thế giới nhưng sau đó vẫn bị bác bỏ do vấp phải sự phản kháng của người dân.

Sự phản ứng đầu tiên tại Cochabamba xảy ra năm 2000, nhằm chống lại Aguas de Tunari, mộ chi nhánh của tập đoàn khổng lồ Bechtel (Mỹ), lúc đó là nhà thầu duy nhất tại địa phương. Tiếp theo là một chi nhánh Aguas de Illimani S.A. (AISA) thuộc tập đoàn Suez của Pháp cũng bị tẩy chay khỏi thành phố La Paz/El Alto năm 2005.

Điều này là tất yếu vì khi Bechtel đến Cochabamba, nó lập tức tăng giá với mức trung bình 35% (thậm chí ở một số khu vực là 200%) – một con số vượt xa tầm với của những người dân nghèo tại đây khiến cho rất nhiều người khốn khổ vì thiếu nước. Ngay cả việc hứng nước mưa hay dùng nước giếng khoan cũng phải chờ sự cho phép.

Sau khi Bechtel bị đẩy ra khỏi Cochabamba, cuộc chiến nước sạch vẫn chưa đi đến hồi kết. Lúc này, chính phủ Bolivia chịu trách nhiệm trong việc phân phối nước và cũng không đủ năng lực đưa nước đến những khu vực phía Nam nơi tập trung dân nghèo.

Sau khi tổng thống Evo Morales đắc cử năm 2005, Bộ tài nguyên nước ra đời nhằm đảm bảo cho người dân những quyền lợi cơ bản về nước. Tuy đây được coi là bước cải tiến lớn, song mục tiêu của đất nước này vẫn bị đánh giá khó mà đạt được bởi nhìn lại năm 2008, ngân sách đầu tư cho ngành nước cũng chỉ có 800.000 USD.

Thị trấn Sebastian Pagador năm ở phía Nam Bolivia đã trở thành một điểm nhấn về sự tiến bộ trong công tác quản lý nước, dựa trên sự hợp tác của cộng đồng. Năm 1990, một tổ chức có tên là APAAS (Hiệp hội sản xuất – quản lý nước và hệ thống vệ sinh) với thành viên tham gia là 390 hộ gia đình.

Hàng tháng mỗi gia đình phải đào 6m đường ống và nộp 1 boliviano (tiền Bolivia). Sau 3 năm, tổ chức này đã tạo nên một hệ thống phân phối hoàn hảo và hiện nay 600 hộ dân trong khu vực đã được cung cấp nước sạch 17 giờ/ngày và chỉ phải trả 3 USD/tháng. Tổ chức này tự hào rằng họ đã làm được điều mà chính quyền không làm được từ chính sức lực và đôi bàn tay của mình. Tuy nhiên, nỗi lo vẫn còn đó vì họ không có đủ tiền đề đầu tư một hệ thống xử lý nước, và các giếng đào ngày càng cạn kiệt trong khi nhu cầu sử dụng tăng lên. 
 

Venezuela là một tấm gương khác trong công tác tái cơ cấu quản lý nước hiệu quả nhờ việc đưa cộng đồng vào quá trình quản lý. Chính phủ nước này lập ra “Ủy ban kỹ thuật nước” và “Hội đồng nhân dân về vấn đề nước” để thảo luận các vấn đề liên quan trong khi chính phủ có vai trò hỗ trợ tài chính và giáo dục người dân về môi trường, bản tồn và quản lý nguồn nước. Bất kì người dân nào cũng có thể nêu lên ý kiến của họ với Viện quốc gia về tài nguyên nước. Viện này phối hợp với cộng đồng cùng lập kế hoạch cũng như chuẩn bị cho các dự án trong tương lai. Theo kết quả của Bộ Môi trường Venezuela, trong năm 2008, 93% dân số được đảm bảo cung cấp nước cũng như các điều kiện vệ sinh – điều này đồng nghĩa với việc Venezuela sẽ là một trong số ít quốc gia đạt Mục tiêu thiên niên kỷ về nước và vệ sinh.

Còn Peru có bối cảnh rất giống những quốc gia Mỹ Latinh khác: mở cửa đón các tập đoàn kinh tế đa quốc gia trong tiến trình đổi mới kinh tế đầu thập niên 90. Mặc dù đã ngừng tư nhân hóa từ năm 2006, họ vẫn phải gồng mình lên để đảm bảo quyền lợi lâu dài về nguồn nước cho người dân. Tuy những cuộc xung đột nóng bỏng đã hướng vào các điều luật mới, tự do thương mại, dầu mỏ và khí tự nhiên nhưng nước vẫn là đề tài được quan tâm.

Chuỗi luật mới được tổng thống Alan Garcia thông qua đã loại bỏ sự kiểm soát “truyền thống” đối với đất đai và tài nguyên thiên nhiên. Điều này đắ ra câu hỏi cho vấn đề duy trì và bảo vệ nguồn nước, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và hiện đại hóa nông nghiệp phải gắn liền với các hệ thống xử lý tái chế nước thải. Nếu các chính sách không tích hợp đầy đủ các yêu cầu về nguồn nước, vệ sinh và môi trường thì chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả xấu.

Cho dù quá trình tư nhân hóa và hương mại hóa đã bị đẩy lùi ở châu Mỹ Latinh, nhưng các công ty đa quốc gia vẫn tiếp tục “liều mình” đổ vốn vào các dự án khai thác tài nguyên nước. Họ sẵn sàng biến cả một dòng sông thành một phần dự án, hoặc làm cho nguồn nước bị ô nhiễm để người dân không còn dùng được trực tiếp. Quá trình tư nhân hóa được hoàn chỉnh khi họ giành được quyền sản xuất nước đóng chai và độc quyền công nghệ chế biến nước sạch.

Ngoài việc dùng mọi thủ đoạn để giành quyền kiểm soát nguồn nước, họ còn tự tin kiếm lời nhờ vào các hiệp định thương mại tự do, ví như NAFTA và FTAA, thông qua việc coi nước là một loại hàng hóa.

Thiếu minh bạch ngành nước ở Séc

Cộng hòa Séc cũng là một quốc gia thực hiện tư nhân hóa ngành cấp nước, tuy nhiên, kinh nghiệm ở Séc cho thấy, nếu quá trình tư hữu hóa không đi kèm các yêu cầu minh bạch hóa, xã hội sẽ phải gánh chịu hậu quả lớn.

Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Séc đã công bố kết quả nghiên cứu về sự thiếu minh bạch trong tư nhân hóa các công ty cấp nước tại nước này và các hậu quả của nó. Công quỹ đã mất đi số tiền lớn do các công ty biển thủ mà lẽ ra số tiền này được đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng cho ngành nước. Quá trình tư nhân hóa cũng cản trở Séc tiếp cận với các nguồn trợ cấp từ châu Âu.

“Tư nhân hóa quản lý nước tại Séc sẽ được ủng hộ nếu lợi nhuận của nó được sử dụng vào các mục đích cộng đồng, đầu tư cho cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Tuy nhiên, những thực tế đáng buồn mà nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra lại là sự cá nhân hóa lợi nhuận và quốc gia hóa chi phí.” – Đại diện quản lý dự án Eliška Císařová nhận xét.

Các thỏa thuận giữa chính phủ và các nhà thầu thường là dài hạn (khoảng 25 năm), đặt chính phủ vào tình thế bất lợi. Những thỏa thuận này thường thiếu sự minh bạch trong định giá và lợi nhuận, không cho phép chính phủ can thiệp điều chỉnh các nhà thầu. Do đó, người ta đặt ra câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm trong việc tái đầu tư cho các hệ thống cấp nước và lợi nhuận thu được từ kinh doanh nước sẽ đổ vào đâu?

Lời giải

Trong trường hợp về Séc nêu trên, Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Cộng hòa Séc tập trung vào tăng cường tính minh bạch trong việc đưa ra quyết định tài chính, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến nước. Nghiên cứu đưa ra các ví dụ về tư nhân hóa tại Prague, Ostrava, Zlín và Kroměříž để minh họa cho sự thiếu minh bạch trong các hợp đồng dài hạn giữa chính phủ và các nhà thầu quản lý nước và ước tính thiệt hại của công quỹ do hoạt động vì lợi nhuận, phi lợi ích cộng đồng của các công ty này.

Tổ chức này tin rằng sự điều chỉnh của thị trường sẽ là chìa khóa để giải quyết . Ví dụ, một luật điều chỉnh mới ban hành sẽ giúp bảo vệ lợi ích chung, đảm bảo tính công bằng trong hợp đồng và chia đều lợi nhuận cho cả công ty và lấn khoản tái đầu tư vì cộng đồng. Điều chỉnh này sẽ tăng sự minh bạch trong hoạt động của các công ty kinh doanh nước, ví dụ bằng cách đánh thuế và thu phí xả thải để khuyến khích tiết kiệm hơn là tăng chi phí, hoặc bằng cách đo lường chất lượng theo các tiêu chuẩn chung.

Còn bài học từ các nước Mỹ La tinh, và có thể cho cả Séc và các quốc gia khác là để đảm bảo công bằng, nước cần được xem như quyền con người chứ không phải là một nhu cầu, đặc quyền hay hàng hóa đơn thuần. Giải pháp có thể xem xét là một hệ thống quản lý bao có sự kết hợp giữa chính phủ và cộng đồng, có sự tham gia của các chương trình giáo dục toàn diện và tăng cường luật pháp cũng như các yêu cầu minh bạch hóa.

Sử dụng hợp lý cần đi đôi với bảo tồn nước. Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, đến năm 2025 sẽ có hơn 2/3 nhân loại thiếu nước sạch. Do đó cần có sự quan tâm công bằng hơn giữa việc tái cơ cầu nông nghiệp và thủy lợi, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường trước khi nguồn tài nguyên sống còn này bị đưa vào…Sách đỏ.