Nâng cao vai trò cộng đồng trong bảo vệ môi trường

ThienNhien.Net – Trong công tác bảo vệ môi trường, quần chúng có vai trò hết sức quan trọng hay có thể coi “Bảo vệ môi trường là một cuộc cách mạng của quần chúng". Ý kiến này của Tiến sĩ Trần Văn Miều – Trưởng ban truyền thông Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam – đưa ra trong Hội thảo "Nâng cao vai trò cộng đồng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững" do Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Phú Thọ và Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp tổ chức tại Việt Trì ngày 19/09, đã nhận được sự đồng tình của hầu hết các diễn giả và đại biểu tham dự.


Theo ông Miều, các tổ chức có nhiệm vụ vận động để quần chúng giác ngộ truyền thông, nâng cao hiểu biết, có kỹ năng tham gia bảo vệ môi trường (BVMT). Song trên thực tế, phong trào của các tổ chức chưa trở thành động lực mạnh mẽ để giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc và để lôi kéo đông đảo quần chúng tham gia. Mặt khác, phong trào chưa trở thành trường học thực tế để bồi dưỡng kiến thức kinh nghiệm, kỹ năng của quần chúng tham gia BVMT. Đa số người dân có biết về tình trạng ô nhiễm môi trường và tài nguyên thiên nhiên bị suy kiệt, có nhận thức đúng là phải tham gia BVMT; nhưng phần lớn người dân không hiểu ở địa phương mình, đơn vị mình có những vấn đề môi trường bức xúc gì.

Vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi hành vi của quần chúng đối với môi trường, thực hiện các hoạt động thiết thực để hỗ trợ nhân dân tự nguyện tự giác tham gia BVMT và phát triển bền vững. Xây dựng các mô hình tiên tiến của quần chúng tham gia BVMT đồng thời hỗ trợ quần chúng tham gia các hoạt động phản biện, kiểm tra, giám sát công tác BVMT.

Tại Hội thảo, Tiến sĩ Bùi Phúc Khánh – Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ đã nêu lên những vướng mắc trong giải quyết vấn đề môi trường và hoạt động BVMT của tỉnh Phú Thọ. Qua đó cho thấy, tỉnh chưa có nhà máy xí nghiệp nào được công nhận đạt tiêu chuẩn môi trường. Bởi vậy, vừa qua Phú Thọ đã xây dựng và ban hành chiến lược về BVMT tới năm 2015 và tầm nhìn tới năm 2020, nhưng giải quyết vấn đề này phải từ quan điểm hài hoà bền vững giữa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ được môi trường tự nhiên, môi trường sống. Trên thực tế, giữa cộng đồng dân cư và chủ đầu tư vẫn xảy ra đối kháng về quyền lợi trong việc BVMT. Vì vậy, cần thiết phải có sự tham gia của tổ chức xã hội dân sự mà nòng cốt là các hội Khoa học kĩ thuật để tổ chức triển khai có giám định các điểm nóng về môi trường đảm bảo hài hoà lợi ích cho các bên.

Ông Bùi Văn Thuỷ – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ cũng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu đề ra giải pháp tổng thể bảo vệ lưu vực và nguồn nước của hệ thống sông Hồng (đặc biệt là sông Lô, sông Đà). Vì đây là nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của cả vùng dân cư rộng lớn, nên sớm có định hướng, hướng dẫn các địa phương lực chọn phù hợp công nghệ xử lý rác thải, nước thải. Có cơ chế chính sách hỗ trợ địa phương xử lý môi trường tại các làng nghề truyền thống…