CEPF và hoạt động bảo tồn ở Đông Dương

ThienNhien.Net – Sau gần một năm hoạt động và tiếp nhận các thư yêu cầu tài trợ, Quỹ đối tác về các hệ sinh thái (CEPF) ở Đông Dương đã cấp hơn 2 triệu USD cho 14 tổ chức dân sự trong vùng để thực hiện các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học. Cho tới nay, trong tổng số 166 thư yêu cầu tài trợ nhận được, đã có 19 dự án được phê duyệt, trong đó có 8 dự án được thực hiện ở Campuchia, 5 ở Việt Nam, 1 ở Lào, 1 ở Thái Lan và 4 dự án ở cấp khu vực.


Ông Jack Tordoff – Giám đốc tài trợ của CEPF nói: “Chương trình tài trợ của CEPF đã xây dựng được một nền móng khá vững chắc ngay trong năm đầu tiên hoạt động ở Đông Dương. Chúng tôi thực sự rất vui mừng khi thấy có rất nhiều thư yêu cầu tài trợ do các tổ chức trong nước gửi đến, chứng tỏ mối quan tâm và năng lực thực hiện các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học đã tăng lên rõ rệt trong các tổ chức địa phương ở khu vực này”.

Từ tháng 06/2008, bằng việc lựa chọn BirdLife International (Tổ chức bảo tồn chim Quốc tế) là Nhóm thực hiện cấp vùng của mình, CEPF bắt đầu triển khai kế hoạch đầu tư trị giá 9,5 triệu USD trong 5 năm ở khu vực Đông Dương. Dựa trên bản mô tả sơ lược hệ sinh thái được xây dựng với sự tham gia của nhiều bên liên quan, chiến lược đầu tư của CEPF trong vùng tập trung vào hành lang cao nguyên đá vôi phía bắc (giữa Việt Nam và một phần nam Trung Quốc) và hành lang bảo tồn đa dạng sinh học dọc sông Mê Kông với các nhánh chính (chạy qua Campuchia, Lào và Thái Lan).

“Nhiều khu vực sinh cảnh nước ngọt đang bị đe dọa nghiêm trọng ở Đông Dương, vì vậy chúng tôi rất vui vì đã tài trợ được cho một số tổ chức trong nước của Campuchia và Việt Nam để nghiên cứu, nâng cao nhận thức cộng đồng về các giá trị đa dạng sinh học ở sinh cảnh nước ngọt,” ông John Pilgrim, Quản lý Nhóm thực hiện cấp vùng (BirdLife International) của CEPF ở Đông Dương phát biểu.

Ở Campuchia, Tổ chức 3S Rivers Protection Network (3SPN) đã được tài trợ để nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về tác động tiềm ẩn từ các công trình thủy điện xây dựng trên các sông Srepok, Sesan và Sekong. Ở Việt Nam, dự án của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước (WARECOD) cũng đã được phê duyệt nhằm nâng cao năng lực của người dân địa phương sinh sống tại khu vực gần sông Năng, tỉnh Tuyên Quang để thực hiện công tác nghiên cứu các loài thủy sinh trên địa bàn.

CEPF là sáng kiến chung của Cơ quan Phát triển Pháp, Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chính phủ Nhật Bản, Quỹ John D. và Catherine T. MacArthur cùng Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu cơ bản của chương trình là thu hút sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

CEPF hướng vào các chiến lược sau: 1) Giám sát và bảo vệ các loài bị đe dọa toàn cầu cần ưu tiên bằng cách giảm thiểu các mối đe dọa chính; 2) Phát triển các tiếp cận mang tính sáng tạo, do địa phương đề xuất và  thực hiện để bảo tồn 28 vùng đa dạng sinh học trọng yếu; 3) Lôi kéo sự tham gia của các bên chủ chốt vào việc giải quyết mâu thuẫn giữa các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển, đặc biệt chú trọng đến vùng Cao nguyên Đá vôi phía Bắc và vùng Sông Mê Kông và các nhánh chính; 4) Cung cấp sự lãnh đạo chiến lược và điều phối hiệu quả các đầu tư của CEPF thông qua một nhóm thực hiện cấp vùng