Công nghệ cỏ Vetiver giúp giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường

ThienNhien.Net – Tại Hội nghị quốc tế lần thứ 6 về cỏ Vetiver (IVC-6) được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 29/8, các chuyên gia, nhà khoa học cho biết công nghệ cỏ Vetiver có tác dụng chống xói mòn sạt lở, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Trồng cỏ vetiver (Ảnh: Báo Khoa học & Đời sống)

Theo ông Trần Văn Mẫn – Điều phối viên của mạng lưới cỏ Vetiver Việt Nam, Chủ tịch Công ty TNHH Xây dựng & Công nghệ mới SBTV, trồng cỏ Vetiver được xem như là xây dựng một hàng rào bê tông sinh học chống lại tình trạng xói mòn, sạt lở đất do có tính năng giảm vận tốc dòng chảy, giữ đất không bị nước cuốn trôi, hấp thu các khoáng chất có độc tính, lọc nước, duy trì độ ẩm của đất, tăng độ phì cho đất.

Để khai thác tối đa lợi ích và ứng dụng có hiệu quả cỏ Vetiver, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành có liên quan, kết hợp tuyên truyền, nâng cao tri thức cộng đồng về vai trò quan trọng của cỏ Vetiver, từ đó tăng cường chăm sóc, duy trì hợp lý và bền vững, tránh hiện tượng phá cỏ Vetiver trồng hoa màu.

Hệ thống cỏ Vetiver được Ngân hàng thế giới (World Bank) phát triển với mục đích bảo vệ nguồn đất và nguồn nước cho nông nghiệp vào những năm 1980. Trong suốt 20 năm qua, hệ thống cỏ Vetiver đã được sử dụng trên 100 quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới tại châu Úc, châu Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh để loại bỏ và xử lý nước thải (sinh hoạt và công nghiệp), xử lý chất thải tại các khu vực mỏ và các vùng đất bị nhiễm bẩn.

Tại Việt Nam, cỏ Vetiver được ứng dụng vào năm 1999 và đã có trên 50 tỉnh, thành sử dụng loại cỏ này. Tại thành phố Đà Nẵng, loại cỏ này được sử dụng từ năm 1999 với mục đích ổn định mái dốc taluy, hạn chế sạt lở, xói mòn trên tuyến đường cơ động tại bán đảo Sơn Trà, tuyến đường núi Bà Nà, ven sông Cổ Cò phường Hoà Quý… Bên cạnh lợi ích giảm hậu quả thiên tai, cỏ Vetiver còn mang lại lợi ích kinh tế cao như chiết xuất tinh dầu, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ…