Sử dụng động vật trong nghiên cứu: Cần cân nhắc kỹ lưỡng

ThienNhien.Net – Cho rằng việc sử dụng động vật trong nghiên cứu đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng gây tốn kém tiền bạc, nguồn lực khoa học và phải hy sinh cuộc sống của các loài động vật trong khi kết quả nghiên cứu chưa chắc đã khả quan, PGS Andrew Knight thuộc trường Đại học Thú y Ross – đảo Saint Kitts khuyến cáo các nhà khoa học cân nhắc thấu đáo giữa chi phí và lợi ích trước khi quyết định sử dụng động vật trong phòng thí nghiệm.

Năm 2007, qua rà soát khoảng 20 bản đánh giá tổng quan về tiện ích lâm sàng mà các nghiên cứu trên động vật mang lại cho con người, chỉ có hai trường hợp các mẫu động vật có thể chứng minh tiềm năng đóng góp vào sự phát triển của các can thiệp lâm sàng, một trong số đó vẫn còn gây tranh cãi bởi kết luận đưa ra chưa đủ sức thuyết phục.

Đáng nói, trong 20 đánh giá nêu trên, nhiều thí nghiệm lẽ ra đã có thể thu được những lợi ích rõ rệt khi được thực hiện trên các loài vật có mối quan hệ gần gũi nhất với con người.

Ngoài ra, trong cả 7 đánh giá bổ sung xác định dấu hiệu độc tính, không thể tìm ra chính xác những chất độc gây tác động mạnh nhất tới con người như chất gây ung thư hay chất gây dị tật bào thai… từ các mẫu động vật. Hơn nữa, những kết quả thu được trên động vật thường không rõ ràng, đôi khi còn mâu thuẫn với những kết quả trên người.

Ảnh: Understanding Animal Research
Ảnh: Understanding Animal Research

Không phủ nhận các nghiên cứu trên động vật đã mang lại nhiều lợi ích cho con người, song bên cạnh lợi ích thu được, chúng ta còn cần cân nhắc cái giá phải trả cho các nghiên cứu như vậy.

Cái giá này chính là sinh mạng của các loài động vật, là tài chính, là các nguồn lực khoa học, thậm chí còn bao gồm cả những tác động xấu lên bệnh nhân và người tiêu dùng khi kết quả trên con người khác với những dự đoán trên các mẫu động vật.

Hiện nay, việc đánh giá quá cao lợi ích xã hội của các nghiên cứu tràn lan trên động vật đang hết sức phổ biến. Trong một nghiên cứu năm 2011, một nhóm nhà khoa học uy tín đã xem xét gần như toàn bộ nghiên cứu về linh trưởng tại Vương quốc Anh trong 10 năm trở lại đây và kết luận rằng: “Rất ít bằng chứng trực tiếp có thể chứng minh lợi ích y học thực tế dưới dạng những thay đổi trong thực hành lâm sàng hay các phương pháp điều trị mới”.

Trên thực tế, ngay cả một ban đánh giá, gồm các chuyên gia thần kinh học, sinh học thần kinh, tâm lý học, động vật học, sinh học sinh sản và nghiên cứu tịnh tiến, cũng khó có thể đưa ra các đánh giá về y học hay các lợi ích khác, thông thường họ chỉ đưa ra những phỏng đoán mà thôi. Điều này trái ngược với những công bố hùng hồn về lợi ích y học từ các nghiên cứu trên linh trưởng do một số tổ chức tiến hành.

Do đó, giới chuyên gia hay khuyến cáo các nhà tài trợ và các nhóm nghiên cứu khi công khai kết quả tìm được cần tránh suy diễn, phóng đại những lợi ích về mặt y học của nó, phòng trừ trường hợp không thể chứng minh.

Để đảm bảo việc tuân thủ quy định và sự tiến bộ liên tục về quyền lợi động vật, các cơ quan chức năng ở nhiều nước vẫn thường xuyên tiến hành thanh tra hoạt động nghiên cứu có sử dụng động vật. Ngoài ra, Australia – một trong những nước sử dụng động vật thí nghiệm nhiều nhất thế giới, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc – còn có công cụ pháp luật riêng là Bộ luật về Chăm sóc và Sử dụng Động vật vì Mục đích Khoa học.

Theo Bộ luật này, các nghiên cứu được khuyến cáo và cam kết thực hiện dựa theo nguyên tắc “3R”: Thay thế động vật với các mẫu phi động vật (Replacement), Giảm số lượng động vật (Reduction) và Hoàn thiện các quy trình thí nghiệm để giảm đau đớn tới mức tối đa cho động vật (Refinement).