Nhiên liệu sinh học: Nguy cơ đối với sự đa dạng sinh học

ThienNhien.Net – Ngày 07/03 vừa qua, Hội thảo quốc tế về Đa dạng sinh học và Biến đổi khí hậu đã được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Trong hội thảo, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về vấn đề nhiên liệu sinh học ở Trung Quốc. Đặc biệt, chủ tịch cố vấn kỹ thuật cho Chương trình Đa dạng sinh học Trung Quốc của Liên minh châu Âu, ông Spike Millington đã nhấn mạnh rằng: “Những cánh rừng và vùng đất trống ở Trung Quốc đang được sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học có thể tạo nên mối đe dọa cho sự đa dạng sinh học”.

Trong tháng 07/2007, Trung Quốc đã công bố kế hoạch dài và trung hạn về nguồn năng lượng có khả năng phục hồi. Cùng lúc đó, việc không sử dụng các sản phẩm nhiên liệu sinh học từ dầu đậu nành và ngũ cốc để tránh gây nguy hiểm cho an ninh lương thực đã khuyến khích việc phát triển của những nguồn nhiên liệu sinh học phi ngũ cốc, bao gồm ethanol chiết xuất từ sắn và cây cao lương ở Đông Bắc và Nam Trung Quốc, cũng như nhiên liệu diezel sinh học từ cây dầu mè ở miền Tây Nam các tỉnh Quý Châu, Tứ Xuyên và Côn Minh, Trung Quốc.

Cùng với kế hoạch quốc gia, các công ty cũng như các ban ngành chính phủ bao gồm Tổng công ty dầu khí Trung Quốc (PetroChina), Ban Quản lý Lâm nghiệp Quốc gia cùng các chính quyền địa phương ở Tứ Xuyên và Côn Minh đã công bố những kế hoạch đầy tham vọng để phát triển các dự án nhiên liệu diezel chiết xuất từ cây dầu mè.

Nhưng ông Millington cho rằng: “Vùng Tây Nam Trung Quốc được định hướng phát triển các nguồn nhiên liệu sinh học cũng chính là ngôi nhà của những khu rừng nguyên sinh còn lại cuối cùng ở nước này”. Ông cũng cho biết thêm rằng, cả những cánh rừng bị thoái hóa trong vùng cũng đóng vai trò quan trọng cho sự đa dạng sinh học.

Chen Shengliang – nhà sinh vật học thuộc Chi cục Bảo vệ Môi trường Trùng Khánh ở Tây Nam Trung Quốc, cũng một lần nữa nhấn mạnh những vấn đề mà Millington đã đề cập. Ông đã phát biểu: “Sự phát triển đơn lẻ, nhanh chóng của các cây thuộc họ dầu mè có thể kìm hãm nhiều loài khác ví dụ như loài thân cỏ”.

Ông Liu Xuehua – một giáo sư ngành môi trường đang cộng tác với trường Đại học Tsinghua, bổ sung thêm rằng, những vùng đất trống không phải là không có vai trò gì, nó có thể là “nhà” của rất nhiều loài thú hoang khác nhau.

Để đối phó với những rủi ro tiềm ẩn, Millington đề nghị cần có một khoản phí môi trường để phân biệt các vùng đa dạng sinh học cao với những vùng kém đa dạng sinh học, phù hợp cho các cây dầu mè hoặc các loài cây làm nhiên liệu sinh học khác.

Ủy ban Bảo vệ Môi trường Quốc gia Trung Quốc (SEPA – vừa trở thành Bộ Môi trường hôm 15/03) đã đưa ra thông báo rằng, cơ quan này sẽ khởi động một chương trình nghiên cứu để đánh giá những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sự đa dạng sinh học quốc gia.

Bên cạnh đó, ngày 10/03, theo một bài báo trên Tạp chí Kinh tế học Môi trường và Quản lý của các nhà khoa học thuộc trường Đại học California ở Berkeley, thì lượng khí thải cácbon điôxít của Trung Quốc đang tăng nhanh hơn mức dự báo trước đây.

Tỷ lệ lượng khí thải cácbon tăng hàng năm của quốc gia này từ 2004 đến 2010 có thể nhiều hơn 11%, thay vì con số 2,5-5% được dự báo bởi Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu.