Cây trồng biến đổi gen vẫn còn là dấu chấm hỏi

ThienNhien.Net – Năm 2009, nông dân Nam Phi nở nụ cười méo mó với khoản thất thu hàng triệu đô la do hơn 82.000 ha ngô biến đổi gen không ra hạt. Monsanto, tập đoàn hàng đầu thế giới về nông nghiệp và công nghệ sinh học, cũng là công ty cung cấp các giống ngô này đứng ra nhận lỗi do sai sót trong khâu thí nghiệm và cam kết sẽ đền bù.


Nhà hoạt động môi trường Marian Mayet, Giám đốc trung tâm an toàn sinh học của châu Phi tại Johannesburg (Nam Phi), cho rằng Monsanto đang lấp liếm sự thật, vì không thể đổ lỗi cho sai sót kĩ thuật khi mà cả ba giống ngô đều hỏng đến 80%. Vấn đề nằm ở công nghệ sinh học của họ.

Tuy nhiên, Giám đốc quản lý của Monsanto tại châu Phi, Kobus Lindeque khẳng định trong số các trang trại bị thiệt hại, chỉ có chưa đầy 25% dùng hạt giống của Monsanto. Ông cũng cho biết tập đoàn sẽ xem xét lại việc sản xuất ba giống ngô hỏng và điều chỉnh sai sót kỹ thuật. Song, không hề có lỗi về công nghệ ở đây mà chỉ là sai sót trong phòng thí nghiệm.

Việc cam kết đền bù của Monsanto đã làm dịu sự phản ứng của người dân địa phương nhưng nguyên nhân của thiệt hại chính xác do đâu, hiện vẫn chưa có câu trả lời.

Cùng với Mỹ, Nam Phi là quốc gia đầu tiên trồng giống ngô biến đổi gen của Monsanto và duy trì cho đến nay, mặc dù một số nhà phân phối của Nam Phi như Woolworths đã dừng bán sản phẩm ngô này từ năm 2000.