Ứng dụng công nghệ sinh học tạo giống lúa đạt chuẩn quốc gia

ThienNhien.Net – Tại hội thảo “30 năm phát triển Khoa học công nghệ Cần Thơ” tổ chức ngày 19/08 tại TP. Cần Thơ, PGS. Tiến sĩ Nguyễn Thị Lang – một trong những nhà khoa học hàng đầu của Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết: “Ở ĐBSCL hiện có 63 giống lúa đang được sử dụng trong sản xuất (bao gồm cả các giống lúa mùa địa phương), trong số này có hơn 20 giống đã được các nhà khoa học của Viện lúa ĐBSCL ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra giống lúa đạt chuẩn quốc gia và đã được khu vực hoá.


Các giống này cũng đang được đưa vào sản xuất đại trà tại các tỉnh ĐBSCL, bình quân, mỗi năm Viện có 01- 02 giống lúa được công nhận chính thức và từ 04 đến 06 giống lúa được công nhận tạm thời. Tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngòai nước với các giống lúa chất lượng cao đang là mục tiêu hàng đầu của Viện Lúa ĐBSCL.

Hiện nay, Viện đang tiến hành khảo nghiệm 223 giống lúa mới cấp quốc gia tại các vùng sinh thái khác nhau ở khu vực ĐBSCL, trong số này có 53 đề tài khoa học -công nghệ từ cấp quốc tế, cấp nhà nước đến cấp viện trường đã được nghiệm thu và đã có 42 đề tài được Hội đồng khoa học các cấp đánh giá xuất sắc và 11 đề tài đạt khá.

Viện cũng đang tiếp tục sưu tầm và bảo vệ quỹ gen cây lúa phục vụ nghiên cứu khoa học, sở hữu 2.200 mẫu giống bản địa, gần 500 mẫu có nguồn gốc du nhập và hàng trăm mẫu gống từ quần thể lúa hoang thuộc 3 loài chính ở ĐBSCL. Hàng năm nguồn quỹ gen được các nhà khoa học tiếp tục bổ sung thông qua các đợt sưu tập tại các địa bàn trọng điểm lúa như Đồng tháp, An Giang, phía Tây Sông Hậu và các vùng ven biển.

Vài năm trở lại đây, ứng dụng chọn giống bằng công nghệ marker phân tử ( MAS), Viện đã báo cáo nghiệm thu và tiến hành triển khai thử nghiệm 7 nhóm gen phục vụ sản xuất đó là các gen kháng rầy nâu, kháng bệnh bạc lá, bệnh đạo ôn, gen hàm lượng amylose, gen protein, gen kháng mặn, gen mùi thơm, gen thích nghi khô hạn…Đây được xem là nguồn gen quí giá nhằm cung cấp cho lai tạo ra các giống lúa chất lượng cao, năng suất cao, thơm ngon phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Nhiều năm qua, Viện cũng đã hoàn thiện và chuyển giao các tiến bộ về cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (máy gieo hàng, máy sấy lúa, máy đánh bùn, máy tuốt lúa, máy bóc bẹ tách hạt ngô…); đồng thời chuyển giao các quy trình thâm canh tổng hợp tăng năng suất cây lúa, tăng chất lượng và hiệu quả kinh tế cho nông dân trên nhiều vùng sinh thái khác nhau. Trong đó đáng chú ý nhất là các giống lúa mới có năng suất cao, phẩm chất tốt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, phổ biến nhất là các giống OM1490, OMCS 2000, VNĐ 95-20, OM576, Jasmine 85, OM2517, IR50404… Nhờ vậy, ở ĐBSCL hiện có 20% diện tích gieo trồng đã sử dụng hạt giống lúa xác nhận và 34% diện tích vùng qui họach (1 triệu ha lúa xuất khẩu) sử dụng giống xác nhận.

Hiện tại, trên 70% diện tích trồng lúa ở ĐBSCL đang sử dụng các giống lúa do Viện lai tạo và chuyển giao công nghệ làm cho năng suất, chất lượng không ngừng được nâng lên, đóng góp đáng kể vào thành tích tổng sản lượng lúa của khu vực ĐBSCL trên 20 triệu tấn/ năm.