Ninh Bình: Ô nhiễm tại các khu chăn nuôi và giết mổ gia súc

ThienNhien.Net – Hiện nay, nhiều vùng nông thôn tỉnh Ninh Bình, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực chăn nuôi và ở các lò giết mổ gia súc, gia cầm đang gây ra những bức xúc trong đời sống của cộng đồng dân cư.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp & PTNT tỉnh, đến nay đàn gia súc, gia cầm đang phát triển với gần 380.000 con lợn, 62.000 con trâu, bò, 3 triệu con gia cầm, 21.000 con dê, cừu…Thống kê của ngành chăn nuôi thú y cho thấy: trong năm 2008 mới chỉ có hơn 50 trang trại, gia trại chăn nuôi lớn theo qui mô công nghiệp ở xa khu dân cư, có phương án xử lý chất thải, còn lại các chuồng trại chăn nuôi ngay tại gia đình, trong thôn xóm, theo hình thức nuôi nhỏ, lẻ và chưa có biện pháp nào để xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ con người.

Tình trạng chăn nuôi trong nhiều gia đình không vệ sinh chuồng trại, xử lý nguồn phân, rác đã gây ô nhiễm không khí, nguồn nước của nhiều hộ xung quanh do nguồn nước xả thẳng ra hệ thống thoát nước chung của cộng đồng, xả xuống ao nuuôi cá, hoặc dùng để tưới trực tiếp cho hoa màu đang diễn ra phổ biến.

Cùng với chăn nuôi là những lò giết mổ gia súc, gia cầm ở khắp các khu dân cư đều không được xử lý nước thải, chất thải từ các lò mổ được xả chung với hệ thống thoát nước tại các khu dân cư gây ô nhiễm nguồn nước. Qua kiểm tra của ngành thú y cho thấy, trừ 2 cơ sở giết mổ tập trung của Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Ninh Bình và cơ sở giết mổ gia súc ở Ninh Tiến có hệ thống xử lý chất thải, còn lại hơn 1.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa có hệ thống xử lý, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng người dân xung quanh vẫn đang phải hứng chịu.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm trong khu vực chăn nuôi và cơ sở giết mổ, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn các cơ sở thực hiện qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện các biện pháp xử lý nguồn nước và chất thải như xây dựng hệ thống hầm khí sinh học Biôga, xây dựng bể lắng, lọc bằng hoá chất để xử lý nguồn nước trước khi xả ra hệ thống nước thải cộng đồng. Trong các năm qua, Sở khoa học công nghệ tỉnh đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn, giúp đỡ người chăn nuôi xây dựng được hơn 1.300 hầm Biôga, tạo ra nguồn chất đốt cho nhiều gia đình vừa giảm chi phí sản xuất vừa giải quyết được ô nhiễm môi trường.

Mô hình này cần được nhân rộng trong cộng đồng dân cư nhất là các hộ chăn nuôi trong từng làng, xóm. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình chưa nhiều do nhiều hộ chăn nuôi thiếu vốn đầu tư, hoặc chưa ý thức được tính cấp bách trong việc bảo vệ môi trường, hoặc chưa được hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình của địa phương và các ngành chức năng. Được biết, có rất nhiều cơ quan quản lý môi trường, cơ quan thú y, thanh tra chuyên ngành… nhưng chưa có sự phân công cụ thể, hoạt động đôi khi chồng chéo, thiếu hiệu quả.

Mặt khác, việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện việc bảo vệ môi trường từ nguồn nước, không khí, xử lý các chất thải từ các khâu chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm cần được đẩy mạnh. Các ngành chức năng cần vào cuộc giúp người dân phương án xử lý các chất thải một cách hữu hiệu, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm vừa phát triển chăn nuôi, vừa bảo vệ môi trường.