Sạt lở trầm trọng – ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Thực tế đang diễn ra đúng với dự báo: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu ở nước ta. Tuy chỉ mới là “khúc dạo đầu” của biến đổi khí hậu nhưng tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Mỗi năm có hàng trăm hecta đất trên đất liền và ven biển bị “hà bá” nuốt chửng, để lại bao hệ lụy cho con người và cuộc sống.

Với đỉnh nước thấp nhất trong vòng 70 năm qua, năm nay gần như Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không có lũ, thế nhưng nạn sạt lở vẫn dồn dập tấn công ĐBSCL. Không chỉ liên tiếp ngoạm sâu vào bờ cả 2 dòng chính lẫn dòng phụ từ đầu nguồn đến hạ nguồn sông Tiền, sông Hậu, dồn đẩy hàng ngàn người dân vào cảnh mất nhà, mất đất…, sạt lở còn khoét sâu, tàn phá bờ biển nơi đây với tốc độ năm sau cao hơn năm trước. Những diễn biến này cho thấy ĐBSCL đang đứng trong vòng vây sạt lở ngày càng khắc nghiệt.

Lở đầu sông đến cuối sông

Đó là bức tranh toàn cảnh sạt lở bờ sông ĐBSCL. Tại An Giang, tuy chưa xảy ra những vụ sạt lở lớn như trận sạt lở làm đứt quốc lộ 91 tại huyện Châu Phú vào năm 2010, nhưng bờ các nhánh sông chính và phụ vẫn đón nhận “cái chết từ từ”. Trên sông Hậu, sạt lở tuy chỉ diễn ra với quy mô nhỏ lẻ, mỗi lần khoét sâu vào bờ vài tấc đến nửa mét, nhưng do xảy ra liên tiếp và dồn dập nên thiệt hại có phần lớn hơn cả những năm lũ lớn. Đây là điều chưa có tiền lệ.

Bà Đỗ Thị Đơn – cư dân lâu năm ở xã Vĩnh Lộc (An Phú) – chia sẻ: “Qua năm nay đã 70 tuổi rồi, chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh tàn phá bờ sông của nước lũ, nhưng năm nay là khác biệt nhất: Lũ thấp, sạt lở nhỏ nhưng hậu quả lại lớn”. Không chỉ diễn ra trên nhánh chính, nhiều nhánh phụ của sông Hậu cũng oằn mình với sạt lở. Đến nay sạt lở đã bào mòn bờ sông Bình Di, đoạn đi qua xã Nhơn Hội (An Phú) sâu 5m, dài 50m khiến nửa con lộ liên xã Nhơn Hội (An Phú) đoạn qua ấp Tắc Trúc sụp, lún. Sự việc nghiêm trọng đến mức UBND tỉnh An Giang phải chỉ đạo huyện An Phú khẩn cấp mở đường tránh và tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn.

 Sạt lở bờ sông không chỉ làm mất đất sản xuất mà còn xáo trộn nhiều hoạt động sinh hoạt và tiêu hao tài sản của người dân.
Sạt lở bờ sông không chỉ làm mất đất sản xuất mà còn xáo trộn nhiều hoạt động sinh hoạt và tiêu hao tài sản của người dân.

Trong khi đó nạn sạt lở bờ sông Tiền càng nghiêm trọng trên cả dòng chính lẫn dòng phụ. Theo báo cáo của UBND huyện Lai Vung, trong mùa lũ này, sạt lở nhiều lần tấn công bờ sông làm ít nhất 7 căn nhà chìm xuống sông, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng nên ngày 13.11, UBND tỉnh Đồng Tháp ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ sông Lấp Vò – Sa Đéc, đoạn đi qua xã Tân Dương, huyện Lai Vung.

Đây là lần thứ 3 trong năm 2015 tỉnh Đồng Tháp ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ sông. Trước đó, Đồng Tháp ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền tại khu vực xã An Hiệp (Châu Thành) và phường 11 (TP.Cao Lãnh). Theo thống kê chưa đầy đủ trong mùa lũ năm nay, sạt lở làm thiệt hại khoảng 15.000m2đất, khiến trên 700 hộ bị mất nhà hoặc đứng trước nguy cơ phải di dời và gây xáo trộn đời sống, sinh hoạt của hàng ngàn hộ khác.

Nhân tai nối dài “thảm họa”

Theo PGS – TS Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – ĐH Cần Thơ), ĐBSCL là một trong 3 vùng chịu tổn thương cao nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu. Do vậy việc nơi đây chịu tác động bất lợi từ thiên nhiên trong đó có nạn sạt lở bờ sông, bờ biển là sự thật tất nhiên. Tuy nhiên diễn tiến này đang ngày càng nhanh hơn, khắc nghiệt hơn do tác động của con người.

“Mỗi năm trên đường chuyển nước từ thượng nguồn ra cửa biển, sông Mê Kông tải khoảng 160 triệu tấn bùn, cát. Điều này không chỉ cung cấp cho đất độ phì, bổ sung nguồn vật liệu xây dựng mà còn hạn chế xói lở bờ sông và ven biển thông qua việc tạo nguồn năng lượng làm giảm sức tấn công của thủy triều. Tuy nhiên nguồn bùn, cát này đang giảm dần” – PGS Tuấn cho biết. Có nhiều nguyên nhân như biến đổi khí hậu toàn cầu và tác động từ các đập thủy điện thượng nguồn.

Kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Quốc tế Singapore cho thấy, sau khi xuất hiện đập thủy điện Manwan ở Trung Quốc, độ tải lượng phù sa tại các trạm đo trên trục chính sông Mê Kông đã giảm mạnh. Còn theo báo cáo của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), hiện có hơn 10 đập thủy điện đã và đang xây dựng trên thượng nguồn sông Mê Kông, điều này cho thấy sẽ làm giảm thêm lượng phù sa cho ĐBSCL bất chấp phía nhà đầu tư áp dụng cơ chế xả đáy. Bởi theo PGS Lê Anh Tuấn, các nghiên cứu chuyên sâu cho thấy, trong trường hợp xả đáy, cũng chỉ có 10-20% vật liệu dưới đáy hồ đập thủy điện chảy về hạ nguồn.

Trong khi đó nạn khai thác cát trên các dòng chính và nhánh phụ của sông Tiền, sông Hậu ngày một gia tăng theo tốc độ đô thị hóa đã và đang làm biến dạng dòng chảy. Đây được xem như hành động mở cửa sau cho ngoại lực tấn công và làm cho tình hình sạt lở bờ sông, ven biển thêm nghiêm trọng.