Mai này Tây Bắc có còn “heo hút cồn mây”

ThienNhien.Net – Người dân Lương Sơn, Kỳ Sơn ở Hòa Bình nói riêng cũng như người dân ở vùng Tây Bắc nói chung đang dần chuyển sang tư duy thời kinh tế thị trường, sẵn sàng bán tất cả những gì có thể đổi ra tiền. Hàng ngày, họ vẫn “vặt” từng “mẩu” tương lai của chính mình và những thế hệ mai sau để làm giầu hoặc duy trì miếng cơm hiện tại…

Dân Lương Sơn đang “ăn rừng” để sống!


Cách đây hơn một năm, tôi cùng 20 nhà báo khác tham dự Hội thảo “Phát triển và đánh đổi lợi ích môi trường trong bối cảnh Việt Nam” tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình (do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức), khi đó Lương Sơn vẫn còn đậm chất; núi rừng Tây Bắc dường như vẫn còn vẻ hoang sơ tĩnh lặng và sân golf Phượng Hoàng mới khánh thành chưa lâu. Sau khi đoàn nhà báo đi khảo sát về đã có một loạt bài đề cập đến sân golf này, chủ yếu là nói về số phận của những người nông dân xã Lâm Sơn bị mất ruộng đất, sau khi nhận được số tiền đền bù ít ỏi (31-32.000VND/m2) bỗng nhận ra rằng mình…thất nghiệp, và phải chịu bao hệ luỵ vì không có nghề chuyển đổi, nước dùng nhiễm hoá chất, con em bỏ học…

Đó là chuyện của một năm về trước, tháng 05 vừa rồi tôi lại có dịp rong ruổi “cưỡi ngựa xem hoa” dọc quốc lộ 6A lên Hoà Bình. Tôi đã giật mình vì tốc độ thương mại hoá, cũng như sự “bòn rút” của cải từ rừng trên một dải đường của huyện Lương Sơn đến huyện Kỳ Sơn.

Hai bên đường, bắt đầu từ sân golf Phượng Hoàng (xã Lâm Sơn) đi Hoà Bình, cứ cách khoảng 1 – 2km, hoặc nối nhau liên tục là những nhà hàng đặc sản miền núi, các cơ sở sản xuất rượu cần dân tộc, kiêm bán mật ong rừng, phấn hoa không tên, cửa hàng bán đồ du lịch kiêm mua bán nhà đất, dự án nghỉ ngơi – vui chơi – giải trí, và rất nhiều cửa hàng bán cây, đá cảnh, gỗ lũa nghệ thuật không biển hiệu, công ty xây dựng nhà sàn và mua bán lâm sản….Thậm chí có cả khu công nghiệp Lương Sơn và một số nhà máy nhỏ sản xuất gạch, xi măng, nghiền đá cũng đang bạt đồi, phá rừng, san lấp mặt bằng và đang tấp nập trong việc xây dựng hay đã bắt đầu kinh doanh.

 

Hoa Binh
Nham nhảm ven đường những “hồn Tây Bắc”

Nhưng cái làm tôi giật mình nhất là những cửa hàng bán cây, đá cảnh, gỗ lũa nghệ thuật đang hằng ngày bầy nhan nhản những khúc cây cổ thụ, những mỏm đá tai mèo nhọn hoắt hoặc những khối đá lớn hình thù cổ quái, khai thác từ núi rừng Tây Bắc ra hè đường để bán kiếm lời.

Để có được những sản vật này, chắc chắn không ít những cây cổ thụ trong rừng Tây Bắc đã bị đốn hạ, không ít những mỏm núi đã bị bào mòn, bóc đi để lấy những hình khối lạ. Và chắc còn nhiều những sản vật khác như hươu nai và các loài động vật hoang dã trong những cánh rừng Tây Bắc đang cạn dần trên những bàn nhậu, quán ăn.

Người dân Lương Sơn, Kỳ Sơn ở Hòa Bình nói riêng cũng như người dân ở vùng Tây Bắc nói chung đang dần chuyển sang tư duy thời kinh tế thị trường, sẵn sàng bán tất cả những gì có thể đổi ra tiền. Hàng ngày, họ vẫn đang “vặt” từng “mẩu” tương lai của chính mình và những thế hệ mai sau để làm giầu hoặc duy trì miếng cơm hiện tại.

Đứng trên quan điểm phát triển kinh tế, đây là điều đáng mừng vì người dân đã biết thay đổi tư duy theo kịp với sự phát triển của thời đại, đã biết bán cái thị trường cần trên cơ sở khai thác điều kiện tự nhiên sẵn có hoặc những gì mình có thể tận dụng được. Tôi không đề cập đến sản xuất vì người dân miền núi Tây Bắc (đa số là người dân tộc) vẫn còn lạc hậu, công cụ sản xuất thô sơ, hình thức sản xuất chủ yếu vẫn là cá thể đơn lẻ, tư cung tự cấp, có chút ít sản phẩm thừa để đem bán, trảo đổi. Nhưng ở những vùng tiếp giáp với Hà Nội (mạn Lương Sơn, Kỳ Sơn, Hoà Bình), có vốn đầu tư và công nghệ do những người có tiền ở thủ đô mang lên mua đất, làm nhà xưởng, mở nhà hàng, cửa hàng kinh doanh, khu du lịch… đã dần dần chuyển sang tư duy thị trường. Những ông chủ từ Hà Nội đã thuê những lao động đang thất nghiệp (do mất đất) ở địa phương vào rừng, vào núi khai thác cây, đá, chim, thú, gỗ…cho họ. Họ đang lợi dụng những kẽ hở do thiếu sự quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền địa phương để làm giàu.  


Câu hỏi còn bỏ ngỏ

Xét về khía cạnh bảo tồn, thực trạng thương mại hoá nhanh chóng ở hai huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn tỉnh Hoà Bình đáng phải gióng lên hồi chuông báo động cho các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương, đặc biệt trong việc bảo vệ rừng, bảo tồn những nguồn gien quí hiếm và những loài đặc hữu. Ai dám đảm bảo là sản vật ở Lương Sơn, Kỳ Sơn bị khai thác hết rồi thì những vùng khác liền kề đấy không bị khai thác tiếp để cung ứng hàng hoá cho những cửa hàng thương mại đang mọc lên như nấm dọc bên đường quốc lộ 6A.

Trên đường về, tôi không khỏi xót xa khi nhìn thấy những quả núi, đồi trụi bóng cây, những chỗ trước kia là núi giờ bị san phẳng hoặc đập ra lấy đá nung vôi, nghiền nhỏ làm đá lát đường. Núi rừng Tây Bắc hiện vẫn còn xanh lắm, còn nhiều cây, nhiều núi lắm nhưng với tốc độ thương mại hoá nhanh và khai thác kiểu tàn phá, trong khi những dự án trồng rừng mới chưa kịp phục hồi như hiện nay thì không chắc 10 năm nữa núi rừng Tây Bắc còn lại gì?

Trong tâm thức của người dân cả nước hình dung về Tây Bắc thì đó là vùng rừng núi hoang sơ, vùng đất của đoàn quân Tây Tiến “núi lên khúc khuỷu dốc thăm thăm, heo hút cồn mây súng ngửi trời” (trích thơ Quang Dũng), vùng đất của những điệu khèn, điệu múa Thái, Mèo, vùng đất của nếp nương, cơm lam, rượu cần. Phát triển kinh tế, khai thác rừng và làm du lịch sinh thái là cần thiết và là chủ trương đúng với điều kiện tự nhiên của vùng Tây Bắc. Tuy nhiên khai thác đến mức nào và bảo tồn như thế nào là những câu hỏi cần phải có chủ trương và thắt chặt quản lý ngay từ bây giờ.

  Hoa Binh
Không biết cột điện sẽ “bám trụ” trên mỏm đá này bao lâu nữa. Nó giống như Tây Bắc nay mai…

Tây Bắc sẽ không còn là Tây Bắc nếu chạy theo xu hướng thương mại hoá vùn vụt như hiện nay. Khu khai thác thương mại nên được qui hoạch thành từng cụm, không nên để dàn trải, phát triển tự phát, thiếu qui hoạch phá vỡ cảnh quan núi rừng xung quanh. Liệu các nhà làm du lịch và kinh tế có nhớ đến yếu tố “không gian văn hoá”, những giá trị phi vật thể của vùng rừng Tây Bắc, đó là nét hoang sơ, tự nhiên quyến rũ bao thế hệ, bao con người…