G-8 và sức ép về chống biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới (G-8) đang phải đối mặt với sức ép về chống biến đổi khí hậu và nghèo đói từ phía các tổ chức quốc tế, giữa lúc G-8 đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ở Italy vào ngày 08/07, nhằm tìm kiếm chiến lược đối phó với cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, tình trạng biến đổi khí hậu và khủng hoảng chính trị ở Iran.


Trong báo cáo công bố ngày 06/07, Tổ chức viện trợ quốc tế Oxfarm kêu gọi Hội nghị thượng đỉnh G-8 thông qua thỏa thuận về một hiệp ước mới, thay thế Nghị định thư Kyoto về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2012, để văn bản này được thông qua tại hội nghị của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu tại Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 12 tới.

Oxfarm hy vọng hiệp ước mới sẽ đưa ra những cam kết cắt giảm ít nhất 400% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên vào năm 2020, so với mức của năm 1990, và đầu tư 150 tỷ USD/năm cho các chương trình tài trợ cắt giảm khí thải và thích nghi với tình trạng khí hậu biến đổi, đặc biệt ở những nước nghèo nhất.

Oxfam cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu đang phá vỡ hoạt động sản xuất nông nghiệp, làm giảm các nguồn cung cấp nước và làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm.

Tổ chức này khẳng định nếu không hành động ngay lập tức, đặc biệt từ những nước chiếm lượng khí thải lớn nhất thế giới như trong G-8, biến đổi khí hậu và nghèo đói liên quan đến khí hậu có thể xóa sạch những thành tựu kinh tế mà thế giới đã đạt được trong 50 năm qua.

Tổ chức từ thiện nhân đạo ActionAid cùng ngày cũng kêu gọi G-8 hỗ trợ thêm 23 tỷ USD/năm từ năm 2012 nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc là giảm một nửa số người nghèo đói trên thế giới vào năm 2015.

Tổ chức này cho biết, số trường hợp đói kinh niên trên thế giới đã tăng vọt lên 913 triệu người trong năm 2008 và có thể lên đến 1,03 tỷ người trong năm nay, nếu G-8 không hành động “táo bạo” để khôi phục hoạt động sản xuất nông nghiệp ở các nước đang phát triển và đảo ngược chiều hướng trái đất nóng dần lên hiện nay.

Ngoài nghèo đói và biến đổi khí hậu, G-8 còn phải đối mặt với sức ép liên quan đến đề xuất của Trung Quốc về một đồng tiền dự trữ quốc tế thay thế đồng USD, khi nhóm này tham dự Diễn đàn các nền kinh tế lớn bao gồm 17 nước, được tổ chức ở Italy vào ngày 09/07.

Theo các nhà quan sát, trong bối cảnh ngân sách tài chính của các nước G-8 đều bị “dàn trải” vì khó khăn kinh tế và thâm hụt gia tăng, cả hai hội nghị nói trên khó có thể đưa ra cam kết cụ thể nào về kinh tế.