Lũ lụt miền Trung: Hậu quả và bài học kinh nghiệm

ThienNhien.Net – Trong những ngày đầu tháng 10 vừa qua, trận lũ lụt nghiêm trọng tại miền Trung (cụ thể từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế) đã gây ra những thiệt hại đáng kể về người và của. Rút kinh nghiệm từ bài học này và phòng bị thêm cho công tác ứng phó, ngày 14/10, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa, lũ lớn có thể xảy ra tại các tỉnh ven biển từ Nghệ An đến Kiên Giang.


Thống kê mới nhất của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, trận lũ ở miền Trung vừa qua đã làm: 66 người chết, 19 người mất tích, 114 người bị thương; hơn 400 ngôi nhà bị ngập, đổ trôi và hư hỏng; 3.186 ha lúa và 17.227 ha hoa màu bị ngập úng, gây thiệt hại 44.800 tấn lương thực, thóc giống. Cùng với đó là nhiều công trình thủy lợi, giao thông bị sạt lở và bồi lấp. Ước tính thiệt hại về vật chất lên tới gần 3.190 tỷ đồng

Do mưa lớn trên diện rộng, thời gian kéo dài kết hợp với gió đông bắc và triều cường đã làm nước biển dâng cao, cản trở thoát lũ nên đã gây ngập lụt trên diện rộng, độ ngập sâu và kéo dài tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, trong đó nặng nhất là 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Đặc biệt, mực nước tại nhiều hồ chứa dâng cao, trong đó có hồ thủy điện Hố Hô, nước đã tràn qua đỉnh đập, uy hiếp đến sự an toàn của đập và dân cư ở hạ lưu.

Trước tình trạng khẩn cấp của lũ, Chính phủ và các ban, ngành Trung ương, địa phương đã kịp thời có phương án đối phó, công tác cứu hộ, cứu nạn đã được các tỉnh làm tốt, tuy nhiên phương tiện tại chỗ nhiều nơi còn thiếu, người dân còn chủ quan dẫn đến nhiều thiệt hại.

Do đó, trong Công điện mới nhất của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn nêu rõ, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống các vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thường xuyên bị lũ chia cắt để chủ động sơ tán dân.

Các địa phương chuẩn bị dự trữ lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa, lũ lớn có thể xảy ra; kiểm tra các hồ chứa nước trên địa bàn, phát hiện và xử lý kịp thời những sự cố để đảm bảo an toàn công trình; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra.

Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam và các chủ hồ chứa thủy điện kiểm tra công trình và thiết bị đóng mở sẵn sàng vận hành an toàn hợp lý phục vụ phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn cho công trình và tham gia giảm lũ cho hạ du.

Đối với các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Kiên Giang, theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp trên biển, quản lý chặt chẽ tàu thuyền và thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền biết để chủ động phòng tránh; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.