Tập huấn bảo vệ ở Vườn quốc gia Hoàng Liên

ThienNhien.Net – Ban quản lý Vườn quốc gia Hoàng Liên vừa tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 25 cán bộ làm công tác khuyến lâm và một số hộ dân nằm trong vùng lõi, vùng đệm của vườn.

Lớp tập huấn được tổ chức Oxfam (Anh) tài trợ, tập trung vào các kiến thức cơ bản về công tác khuyến nông, khuyến lâm, các bước lập kế hoạch khuyến lâm xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân từng khu vực cụ thể.

Đây là lớp học quy củ đầu tiên được mở trong chương trình phối hợp nâng cao trách nhiệm bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Hoàng Liên, kể từ ngày thành lập vườn (năm 2002) đến nay.

Vườn quốc gia Hoàng Liên thuộc địa phận thị trấn Sa Pa và các xã San Sả Hồ, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ, huyện Sa Pa; một phần huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai và hai xã Mường Khoa, Thân Thuộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.

Vườn quốc gia Hoàng Liên có tổng diện tích vùng lõi 29.845 ha, bao gồm một hệ thống núi cao thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, trong đó có đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143m; vùng đệm diện tích 38.724ha, bao gồm thị trấn Sa Pa, một số xã thuộc huyện Sa Pa, một phần huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai và 2 xã thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.

Vườn quốc gia Hoàng Liên có thảm thực vật rừng kín và hệ động vật rừng phong phú, đa dạng.

Về hệ thực vật rừng, nơi đây có khoảng hơn 2.000 loài với các loại cây gỗ điển hình như tống quán sủ, bồ đề, đỗ quyên, pơmu, mận rừng…, trong đó có khoảng 66 loài ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, 32 loài quý hiếm như loài bách xanh, thông đỏ, loài Vân Sam Hoàng Liên và hàng trăm loài thảo dược như quy, thục, đỗ trọng, hoàng liên chân chim, đỗ quyên, kim giao…

Ngoài ra, tại đây người ta còn tìm thấy loài nấm cổ linh chi, nứa Sa Pa – phân bố chủ yếu ở vùng rừng núi cao của Trung Quốc và Việt Nam.

Hệ động vật rừng cũng rất đa dạng với 66 loài thú, phổ biến là vượn đen tuyền, cheo cheo, voọc bạc má…, trong đó có 16 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam; 347 loài chim, 41 loài lưỡng cư và 61 loài bò sát.