Dân mệt vì giữ rừng

ThienNhien.Net -Người dân chỉ gắn bó với rừng khi rừng đem lại lợi ích thiết thực nhưng một khi điều này không được đảm bảo, họ sẽ bỏ cuộc và trả lại rừng.

99 hộ dân ở Bình Định là một ví dụ. Năm 2010, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định thí điểm giao 13.000 ha rừng tự nhiên cho 99 hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Nhưng đến năm 2015, tất cả đồng loạt trả lại với lý do “mệt quá, làm không công cho nhà nước”. Rừng do chính họ quản lý, bảo vệ nhưng lại không khai thác được vì không biết tăng trưởng bao nhiêu để khai thác. Thậm chí, Chi cục làm đề án cho dân khai thác 10% nhưng không người dân nào dám ký. Đây là câu chuyện rất thực tế được ông Nguyễn Hiếu Hòa – Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định chia sẻ tại Hội thảo “Thực thi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ở Việt Nam: Một số phát hiện và khuyến nghị của các tổ chức xã hội” do Tổng cục Lâm nghiệp, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp cùng Mạng lưới Đất rừng (FORLAND) tổ chức sáng 30/9 tại Hà Nội.

Hình ảnh tại hội thảo
Hình ảnh tại hội thảo

Câu chuyện ở Bình Định không mới nhưng phản ánh khá sâu sắc những bất cập trong công tác bảo vệ rừng hiện nay. Tại nhiều địa phương trên cả nước, người dân cũng chưa được hưởng lợi nhiều từ việc quản lý, bảo vệ rừng vì phần lớn rừng giao cho cộng đồng thuộc loại nghèo kiệt và vì chính sách hưởng lợi bị ràng buộc bởi nhiều quy định trong Luật và ngoài Luật. Đặc biệt, quyền sử dụng rừng tự nhiên hẹp hơn rất nhiều so với các quyền sử dụng khác, chẳng hạn như quyền sử dụng đất nông nghiệp (bao gồm cả đất có rừng).

Cũng có ý kiến cho rằng nếu giao quá nhiều quyền cho hộ gia đình và cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên thì rừng sẽ bị phá nhanh hơn, mất nhiều hơn. Tuy nhiên, từ những dẫn chứng thực tế tại địa phương, ông Hòa khẳng định, rừng bị phá là do cách quản lý không tốt chứ không phải vì giao cho dân. Cần phải trả công xứng đáng cho người dân thì họ mới quản lý, bảo vệ rừng tốt được. Dù vậy, ông Hòa cũng cảnh báo nếu giao quá nhiều quyền cho người dân, trong đó bao gồm cả quyền chuyển nhượng – như với quyền sử dụng đất nông nghiệp – thì cần phải cân nhắc rất kỹ bởi vô hình trung điều đó sẽ tạo điều kiện để giới đại gia tích tụ đất đai.

Ảnh minh họa: PanNature
Ảnh minh họa: PanNature

Từ những bất cập được dẫn chứng qua các báo cáo nghiên cứu, các chuyên gia lâm nghiệp đề nghị Luật Lâm nghiệp (hiện đang được xây dựng và thay thế Luật Bảo vệ và Phát riển rừng 2004) cần đặc biệt chú ý đến vai trò của cộng đồng dân cư theo hướng tạo điều kiện để người dân gắn bó với rừng, toàn tâm toàn ý bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả. Bên cạnh đó, cần xác định tư duy chiến lược khi xây dựng Luật, không nên vừa làm xong đã mất hiệu lực. “Dường như tư duy của nhiều nhà làm luật vẫn còn mang nặng tính bao cấp trong khi chúng ta đang hiện diện ở thời kỳ kinh tế thị trường” – một đại biểu chia sẻ.

Đồng ý với đề xuất nêu trên, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định điểm mới quan trọng nhất của Luật Lâm nghiệp so với Luật cũ là yếu tố tiếp cận kinh tế thị trường. Cấu trúc của Luật theo đó cũng sẽ được xây dựng theo chuỗi thay vì cách tiếp cận của ngành lâm nghiệp như trước đây. Dự kiến sẽ có khoảng hơn 10 hội thảo nữa tiếp tục bàn về các nội dung trong Luật mới và Tổng cục rất cần những nghiên cứu tương tự như nghiên cứu về vai trò của cộng đồng dân cư để xây dựng Luật phù hợp, đảm bảo tính khả thi.