Công-gô dùng than sinh học để bảo tồn rừng

ThienNhien.Net – Tháng trước, một sáng kiến sử dụng kĩ thuật làm giàu cacbon nhằm tăng lợi nhuận cho ngành nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ thực vật rừng quý hiếm, góp phần làm chậm quá trình biến đổi khí hậu ở miền trung Châu Phi đã được chọn là một trong sáu dự án nhận tài trợ của Quỹ Phát Triển Rừng Lưu Vực sông Công-gô (CBFF).

Ủy ban Khoa học của CBFF đã trao tặng cho Quỹ Than sinh học của Bỉ và đối tác phía Công-gô ADAPEL một khoản tài trợ trị giá 300.000 Euro để thực hiện ý tưởng than sinh học này ở 10 làng thuộc tỉnh Equateur, Cộng hòa Công-gô.

Phương pháp cải thiện độ màu mỡ của đất nhờ “than sinh học” – một loại than được sản xuất từ chất thải nông nghiệp và sinh khối trong điều kiện hiếm khí – sẽ giúp tăng năng suất cây trồng, giảm hiện trạng phá rừng du canh du cư. 

Nó cũng hứa hẹn nâng cao cơ hội tiếp cận với nguồn năng lượng sạch vốn phổ biến trong cộng đồng nghèo ở nông thôn, đồng thời giúp giảm khí thải từ nạn phá rừng và sự suy giảm chất lượng rừng.

Laurens Rademakers – giám đốc điều phối của quỹ Than Sinh học phát biểu: “Chúng tôi rất phấn khởi khi được CBFF lựa chọn. Điều này đồng nghĩa với việc thừa nhận tính khoa học của khái niệm than sinh học và rằng phương pháp này có thể làm giảm sức ép của cuộc khủng hoảng về môi trường, xã hội, kinh tế lên những đối tượng nghèo nhất thế giới, đồng thời giúp bảo vệ hệ sinh thái rừng giàu có ở lưu vực sông Công-gô. Chiến lược của chúng tôi là một sáng kiến vì nó không buộc con người thay đổi cách kiếm sống truyền thống của họ cho mục đích bảo tồn như một số phương pháp khác.”

Đại diện quỹ Than Sinh học cho biết dự án này được CBFF lựa chọn vì đã được đánh giá cao dựa trên những tiêu chí đánh giá hết sức nghiêm ngặt: (1) giảm mức độ phá rừng ở lưu vực sông Công-gô, (2) giảm nghèo và cải thiện cuộc sống của những cộng đồng nghèo nhất đang sinh sống ở khu vực rừng, (3) nâng cao năng lực của các đối tác địa phương (những tổ chức đại diện cho người nông dân bình thường ở Công-gô), (4) cải thiện kiến thức của con người về hệ sinh thái rừng và các nhân tố dẫn đến sự biến đổi của nó (cụ thể là nghiên cứu những áp lực mà đất nhiệt đới và hệ thống nông nghiệp tạo ra đối với những cánh rừng nơi đây) và (5) cách thể hiện khái niệm bảo tồn đặc biệt sáng tạo.

Dự án được thực hiện với hi vọng những cánh rừng có thể tham gia vào thị trường cacbon nhằm huy động thêm nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương nơi đây -một trong những cộng đồng nghèo nhất thế giới và phải chịu ảnh hưởng kéo dài của tình trạng mất an ninh lương thực kéo dài.

Cải thiện đất bằng than sinh học giúp tạo một lớp cacbon ổn định, lâu dài và có thể đo đạc dễ dàng. Than oxi hóa sau hàng thế kỉ hay thậm chí hàng thiên niên kỉ. Vì vậy, bằng cách giữ cacbon đyoxit từ chất thải nông nghiệp trong môi trường và chuyển hóa các chất này thành một dạng chất bền vững giữ trong đất, phương pháp này sẽ mang lại hiệu quả với chi phí rất thấp. Những nỗ lực này hứa hẹn đem lại nguồn thu ngập mới cho người dân nơi đây thông qua tín dụng carbon và những khoản phí đền bù khác.

Theo Christoph Steiner -một chuyên gia về hóa sinh và chuyển hóa sinh học của Đại học Georgia, người chịu trách nhiệm giám sát về mặt khoa học đối với dự án, mô hình này nên được nhân rộng trên toàn cầu để thay thế hoàn toàn hình thức du canh du cư, tăng cường độ màu mỡ cho đất và đảm bảo an ninh lương thực, giảm nạn phá rừng và giúp giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án một cách bền vững là những người chủ đất nghèo phải có cách tiếp cận với thị trường cacbon toàn cầu và điều này đòi hỏi sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ như quỹ Than sinh học, ADAFEL và CBFF.