Mô hình sản xuất lúa mới ở đồng bằng sông Hồng

ThienNhien.Net – Giảm được 30% chi phí làm đất; 30% chi phí ngâm ủ, sạ lúa; 40% chi phí khâu phun thuốc trừ sâu; 35% chi phí gặt đập … là những kết quả bước đầu của mô hình “Tổ hợp tác cơ giới hóa tổng hợp trong sản xuất lúa” được thực hiện thí điểm tại tỉnh Hà Nam.

Ở vùng đồng bằng sông Hồng, chi phí cho sản xuất lúa khá cao dẫn đến thu nhập từ sản xuất lúa thấp. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất lúa của mỗi hộ nông dân nhỏ, đất trồng lúa manh mún, khả năng thâm canh và áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và việc cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch gặp nhiều khó khăn.

Nhằm khắc phục những hạn chế trong sản xuất lúa, từ quý III/2008, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư quốc gia (KNKNQG) thực hiện thí điểm mô hình “Tổ hợp tác cơ giới hóa tổng hợp trong sản xuất lúa” tại thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam với quy mô 26 ha và 134 hộ nông dân tham gia, từ đó rút kinh nghiệm để có thể nhân rộng mô hình này.

Tổ hợp tác hoạt động như công ty cổ phần, nông dân đồng tình ghép ruộng, đóng góp kinh phí và cùng hưởng lợi đồng thời khắc phục tình trạng thiếu lao động, giảm chi phí sản xuất lúa và đạt chất lượng hàng hóa đồng đều …

Kết quả thu hoạch trên 26 ha lúa đông xuân 2009 ở thôn Vị Hạ cho những con số đáng mừng: Giảm được 30% chi phí khâu làm đất, 30% chi phí khâu ngâm ủ, sạ lúa, 40% chi phí khâu phun thuốc trừ sâu, 35% chi phí khâu gặt đập và khắc phục được tình trạng thiếu lao động mùa vụ.

Tại hội thảo đầu bờ về mô hình này mới được tổ chức tại tỉnh Hà Nam, 200 đại biểu các Cục, Vụ thuộc Bộ NN&PTNT, các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng đều đánh giá cao kết quả đạt được của mô hình như: khắc phục được tình trạng thiếu lao động vào các thời điểm gieo cấy, thu hoạch; góp phần thay đổi nhận thức của nông dân, chuyển đổi từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tiểu nông sang sản xuất theo tổ, nhóm liên kết để giảm chi phí sản xuất, chủ động lựa chọn chủng loại nông sản theo yêu cầu của thị trường.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm KNKNQG cho biết: “Mô hình lần đầu tiên triển khai nên cần được tổng kết, rút kinh nghiệm, từng bước khắc phục những hạn chế để có thể nhân ra diện rộng”.