Sớm cấp kinh phí hỗ trợ để khôi phục sản xuất thủy sản tại các tỉnh miền Trung

Tổng cục Thủy sản đề xuất kiến nghị Chính phủ cần sớm cấp kinh phí hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP để khôi phục sản xuất cho các tỉnh miền Trung bị thiệt hại bởi thiên tai. Bổ sung nguồn lực đầu tư hạ tầng các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, đáp ứng điều kiện về nuôi trồng thủy sản và phòng chống thiên tai. Có cơ chế chính sách về vay vốn ưu đãi cho người dân bị thiệt hại để có thể sớm khôi phục sản xuất.

Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Theo báo cáo sơ bộ ban đầu của các địa phương, tính đến ngày 16/11/2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ gồm 9.931ha/38.340 ha (chiếm 25,9% diện tích đang nuôi), 2.180 ô lồng nuôi tôm hùm bị thiệt hại do nước ngọt đổ về, 39 tàu thuyền khai thác hải sản bị hư hại, tổng giá trị thiệt hại khoảng 474 tỷ đồng.

Cụ thể, tại Hà Tĩnh, diện tích nuôi nước ngọt, mặn lợ bị ngập lụt 2.872ha, sản lượng bị thiệt hại 2.712 tấn; thiệt hại về lồng bè 3.294 m3, sản lượng 33 tấn, ước tính khoảng 165 tỷ. Tại tỉnh Quảng Bình, 12 tàu cá bị chìm. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hoàn toàn 1.583ha. Bên cạnh đó, tại Quảng Trị, do lũ lụt dâng cao nên 2.482 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Diện tích nuôi trồng thủy sản mặn lợ 2.202ha bị thiệt hại do mưa lớn. Tại Thừa Thiên Huế, 15 tàu cá bị hư hại, về nuôi trồng thủy sản ước thiệt hại 99 tỷ đồng,…

Tổng cục Thủy sản cho biết, để giúp các địa phương khắc phục hậu quả, Tổng cục đã ban hành công văn số 2191/TCTS-NTTS ngày 4/11/2020 về khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất nuôi trồng thủy sản do mưa bão gây ra gửi Sở NN&PTNT các tỉnh miền Trung, Cục thú y, Trung tâm khuyến nông Quốc gia. Đồng thời gửi 89 doanh nghiệp sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, Hiệp hội tôm giống Bình Thuận, Ninh Thuận, hơn 50 cơ sở sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng nhằm kêu gọi ủng hộ người dân nuôi trồng thủy sản khôi phục sản xuất.

Chỉ qua thời gian rất ngắn, Tổng cục Thủy sản đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ được trên 76 triệu con giống tôm thẻ chân trắng, 150 tấn thức ăn hỗn hợp nuôi tôm nước lợ, 15 tấn sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, tổng trị giá 71 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Cục Thú y và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại 5 tỉnh 10 lớp tập huấn cho người dân vùng bị ảnh hưởng kỹ thuật nuôi trồng thủy sản mùa mưa bão, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, Tổng cục Thủy sản đề nghị, trước mắt, cần tiếp tục thống kê đầy đủ thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản của các tỉnh miền Trung để đề xuất chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017.

Tổ chức quan trắc, giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản tại 5 tỉnh, kịp thời chuyển tải tới người dân về chất lượng nước nuôi trồng thủy sản, đảm bảo người dân khôi phục sản xuất sớm nhất có thể. Đi cùng với đó, tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản hỗ trợ người dân sớm khôi phục sản xuất ở mức tối đa. Tiếp tục tập huấn, hướng dẫn người dân làm sạch môi trường, chuẩn bị ao đầm, lồng bè nuôi, sẵn sàng thả giống khi điều kiện cho phép.

Về lâu dài, Tổng cục Thủy sản cho rằng, cần rà soát quy hoạch lại vùng nuôi tập trung và đầu tư hạ tầng nhằm đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại và khôi phục sản xuất. Tổ chức sắp xếp lại hệ thống lồng bè trong nuôi biển và tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, kiên quyết di dời các cơ sở nuôi ra khỏi vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, biến động môi trường.

Tổng cục Thủy sản đề xuất kiến nghị Chính phủ cần sớm cấp kinh phí hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP để khôi phục sản xuất cho các tỉnh miền Trung bị thiệt hại bởi thiên tai. Bổ sung nguồn lực đầu tư hạ tầng các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, đáp ứng điều kiện về nuôi trồng thủy sản và phòng chống thiên tai. Có cơ chế chính sách về vay vốn ưu đãi; chỉ đạo các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, giảm nợ cho người dân bị thiệt hại để có thể sớm khôi phục sản xuất.

Với UBND các tỉnh miền Trung, Tổng cục Thủy sản đề nghị cần khẩn trương thống kê thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ kịp thời cho người dân theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017. Huy động nhân lực, tổ chức làm sạch môi trường các vùng nuôi bị thiệt hại. Sử dụng thuốc, hoá chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão, lũ tan.

Rà soát, dự kiến nhu cầu con giống thủy sản, thức ăn, chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để phục vụ công tác phục hồi sản xuất sau mưa bão. Sớm rà soát các vùng nuôi và có đầu tư để đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu…

Nguồn: