Làm giàu trên chính mảnh vườn của mình

ThienNhien.Net – Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý và mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Một nông dân huyện Thống Nhất đã trở thành tỷ phú trên chính mảnh vườn trồng cây ăn trái của mình. Đó là ông Nguyễn Văn Phán, một “sao vàng Đồng Nai năm 2008”, ngụ tại ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2.

Ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi của gia đình ông Phán là kết quả thu nhập từ chính vườn cây ăn trái. Vào thời điểm này, vườn cây ăn trái chất lượng cao gồm: sầu riêng, chôm chôm, nhãn thái, măng cụt của ông đang cho thu hoạch. Theo ước tính của ông vụ này sẽ thu hoạch trên 500 triệu đồng tiền lời.

Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 1992 với gần 7 ha đất do gia đình để lại chủ yếu trồng điều, cà phê. Nhưng cùng với thời gian, 2 loại cây này không mang lại hiệu quả kinh tế một phần do giống đã cũ, phần khác do giá cả xuống thấp, gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn. Đầu năm 2000, ông mạnh dạn chặt bỏ gần như toàn bộ diện tích cây điều và chôm chôm thường, thay thế bằng các loại cây ăn trái chất lượng cao như: sầu riêng, chôm chôm mới, nhãn thái, măng cụt…

Tuy nhiên thành công không phải lúc nào cũng đến, nhất là khi thời tiết không chiều theo lòng người. Sau 5 năm chăm sóc, vun trồng đang khấp khởi vào vụ đầu bội thu thì may mắn đã không mỉm cười với ông, gần 370 gốc sầu riêng có trái đều bị sượng, không bán được. Bao nhiêu ấp ủ mong đợi đến ngày thu hoạch trong phút chốc đều tan biến. Thiệt hại lên đến gần 400 triệu đồng. Ông cho biết lúc đó ông rất chán nản và gần như gục ngã. Nhưng được sự động viên của gia đình, bạn bè và sự quyết tâm của bản thân, ông đã chặt bỏ toàn bộ diện tích cây hư hại và chú trọng vào chăm sóc 3,5 ha còn lại.

Nhờ sự tìm tòi, học hỏi đúc rút kinh nghiệm từ thực tế nên ông đã bước đầu thành công. Năm 2007 ông thu vào gần 300 triệu đồng tiền lời, năm 2008 trên 400 trăm triệu và dự kiến năm nay có thể đạt gần 500 triệu đồng. Hiện vườn nhà ông có 140 gốc chôm chôm, nhãn thái; 100 gốc sầu riêng và hơn 300 gốc măng cụt đang cho thu hoạch. Ngoài ra, ông cũng đã trồng thêm 150 gốc sầu riêng và chuyển đổi 3,3 ha đất sang trồng cây cao su.

Chia sẻ kinh nghiệm làm giàu của mình, ông cho biết: “kinh nghiệm làm nông của tôi đầu tiên phải là giống, bất cứ trồng cây gì phải là cây chất lượng cao. Nếu cây không hiệu quả thì phải chuyển đổi ngay, thà là thất bại từ đầu nhưng mà mình ăn nó dài hạn. Những người trồng chôm chôm thường cũng vậy, phải tạo điều kiện chuyển đổi sang giống chôm chôm mới hay nhãn thái thì hiệu quả sau này mới cao. Mình chịu cực mấy năm nhưng mà mình ăn nó mấy trục năm mới thấy nó hiệu quả ”.

Điều đặc biệt là toàn bộ diện tích cây ăn trái ông đều trồng xen canh với nhau, áp dụng triệt để tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm vào canh tác nên năng suất, mẫu mã trái cây rất đẹp, chất lượng cao, thương lái vào tận vườn mua nên giá thành thường cao hơn các nhà vườn khác.

Ông tâm sự: “để vườn cây đẹp thì mình coi, chăm sóc cái cây cũng như chăm sóc mình vậy. Mỗi ngày mình phải tới lui coi chừng nó xem nó bệnh thì kịp thời chăm sóc mới hiệu quả”.

Nói về mô hình làm vườn của ông Phán, ông Lưu Văn Cẩn – chủ tịch Hội nông dân xã Bàu Hàm 2 cho biết: “ông Phán luôn là người đi tiên phong trong việc phổ biến kiến thức, kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng và chia sẻ kinh nghiệm để bà con chuyển đổi, áp dụng”. Từ mô hình trồng cây ăn trái của hộ ông Phán, Hội nông dân xã xem đây là mô hình tiêu biểu, điển hình để nhân rộng trong thời gian tới.

Năm nay do ảnh hưởng của thời tiết thất thường, nhiều nông dân trồng cây ăn trái không chỉ của huyện Thống Nhất mà trên địa bàn toàn tỉnh đang phải điêu đứng vì bị thất thu hoặc giảm năng suất nên hiệu quả từ những mô hình như của gia đình ông Phán là điều đáng được quan tâm không chỉ của người nông dân mà cả các nhà chuyên môn.