Bảo tồn đa dạng sinh học vịnh Nha Trang

ThienNhien.Net – Trong khuôn khổ Festival Biển Nha Trang 2009, ngày 09/06, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn đa dạng sinh học vịnh Nha Trang” với sự tham gia của gần 30 nhà khoa học, nhà quản lý địa phương.

Vịnh Nha Trang có diện tích 250 km2, nằm trong vùng biển có tính đa dạng sinh vật biển cao nhất ở vùng biển ven bờ Việt Nam, như hệ sinh thái san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn…. Theo PGS, TS Trần Công Huấn, Giám đốc chi nhánh ven biển (Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga), chỉ tính riêng khu hệ cá, vịnh Nha Trang đã có hơn 300 loài, trong đó có 60 loài lần đầu tiên ghi nhận tại biển Việt Nam, 15 loài mới đối với khoa học thế giới. Đồng thời vịnh Nha Trang có lợi thế rất lớn về mặt cảnh quan, khi được công nhận một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới và là di tích thắng cảnh cấp quốc gia.

Tuy nhiên, hiện nay vịnh Nha Trang đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các tác động xấu từ hoạt động du lịch biển đảo, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, giao thông vận tải, xây dựng công trình… Với 9 tham luận trình bày tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển khu vực này theo hướng bền vững, hài hoà giữa ba lợi ích: kinh tế, xã hội và môi trường.

Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III đã giới thiệu 5 mô hình nuôi kết hợp nhiều đối tượng hải sản theo hướng bền vững, như: nuôi cá mú kết hợp với rong sụn, vẹm và bào ngư; nuôi tôm hùm kết hợp với cá chẽm, hải sâm và vẹm xanh… vừa nâng hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi ghép cao hơn nuôi đơn từ 1- 2 lần, vừa giảm mức độ ô nhiễm nguồn nước trong quá trình canh tác.

Theo bà Ngô Thị Kim Thọ (Sở NN & PTNT tỉnh Khánh Hoà), giải pháp quản lý cần đưa ra hiện nay là trồng khôi phục lại rừng ngập mặn, thả giống ra biển để tái tạo các loài thuỷ hải sản đã cạn kiệt, cấm phát triển tàu nhỏ đánh bắt hải sản trong vịnh có công suất dưới 20 CV, nên tổ chức mô hình nuôi hải sản kết hợp với tham quan du lịch biển…

Ông Bùi Mau, Chủ tịch Câu lạc bộ vịnh đẹp Nha Trang, cho rằng, trong khu vực vịnh Nha Trang, việc quản lý, khai thác đang trong tình trạng manh mún, khi có quá nhiều đơn vị kinh tế, khoa học được giao từng khu vực để hoạt động. Do đó cần phải quy hoạch việc khai thác vịnh, đồng thời thiết lập một cơ quan có chức năng quản lý toàn diện các hoạt động khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị của vịnh…

Các ý kiến tại Hội thảo nhấn mạnh, Vịnh Nha Trang có mức độ đa dạng sinh học cao, vừa là di sản văn hoá, nên phải được xem là một khu vực đặc biệt, tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra trong Vịnh cần phải được đặt trong tầm kiểm soát; cần đẩy mạnh các hoạt động về bảo vệ môi trường, cảnh quan của vịnh.