Doanh nghiệp chưa mặn mà với công nghệ xanh

ThienNhien.Net – Việc đưa các công nghệ xanh vào sản xuất để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường còn chưa được các doanh nghiệp quan tâm. Nguyên nhân do giá thành cao làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Ông Phạm Hồng Quất. (Ảnh: Báo Hải Quan)
Ông Phạm Hồng Quất. (Ảnh: Báo Hải Quan)

Bên lề Hội thảo “Đổi mới  kỹ thuật hóa học để bảo vệ môi trường” được tổ chức tại Hà Nội ngày 9-3, ông Phạm Hồng Quất- Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ- Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, giá thành để các đưa công nghệ xanh vào phục vụ sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường vẫn còn cao nên nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc sử dụng các công nghệ này. Ông có đánh giá như thế nào về việc này?

Các nước phát triển thường đưa những máy móc, phân xưởng sản xuất cũ sang các nước đang phát triển. Vì thế trách nhiệm của các nước phát triển sẽ phải hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua các dự án phát triển, dự án ODA để xử lý về những tác động đến môi trường.

Nếu doanh nghiệp không làm tốt về mặt xử lý môi trường trong các dự án sản xuất thì lợi nhuận sản phẩm mang lại sẽ bằng với sự trả giá về môi trường.

Do đó Chính phủ đã có những chính sách can thiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường. Hàng loạt những chính sách bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, công nghệ… được áp dụng, trong đó sẽ ưu tiên những công nghệ ít ô nhiễm môi trường. Đồng thời, ưu tiên những công nghệ phù hợp giá thành, điều kiện sản xuất của Việt Nam.

Thưa ông, hiện nay vấn đề xử lý rác thải công nghiệp doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Vậy ông có thể cho biết các doanh nghiệp đã mặn mà với việc đổi mới công nghệ để bảo vệ môi trường hay vẫn quan tâm đến lợi nhuận kinh tế là chủ yếu?

Doanh nghiệp phải tạo ra lợi nhuận kinh tế tối đa nên rất khó để tự nguyện đầu tư công nghệ xử lý môi trường một cách triệt để. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tối đa hóa lợi nhuận bằng cách chọn những sản phẩm công nghệ đầu tư ít nhất, còn vấn đề xử lý môi trường chỉ mang tính thủ tục.

Nên vai trò của Nhà nước và Ban quản lý khu công nghiệp rất quan trọng. Việc thực hiện nghiêm pháp luật sẽ buộc các doanh nghiệp đầu tư các công nghệ bảo vệ môi trường, chọn những sản phẩm phù hợp nhất. Đồng thời, tạo cơ hội cho những doanh nghiệp đầu tư sản xuất những sản phẩm bảo vệ môi trường có cơ hội mở rộng thị trường.

Thực tế có rất nhiều công ty vi phạm trong vấn đề bảo vệ môi trường như xả thải trực tiếp ra môi trường. Phải chăng pháp chế chưa đủ mạnh, thưa ông?

Điều quan trọng là vấn đề thực thi pháp luật. Những quy định về pháp luật và chính sách của nước ta khá đầy đủ và phù hợp với các công ước quốc tế. Nhưng khi dự án được phê duyệt xong ai là người giám sát, giám sát như thế nào, có sẵn sàng đóng cửa nhà máy hay không? Ở đây phải kể đến vai trò của cơ quan quản lý đầu tư, những chế tài liên quan đến tiền, hành chính không đủ mạnh để răn đe các doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

Cần phải xử lý những doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực môi trường bằng chế tài Luật Đầu tư như tiếp tục gia hạn hoạt động sản xuất kinh doanh hay đóng cửa khi vi phạm. Như vậy, doanh nghiệp sẽ thực hiện đúng cam kết như lúc trình phê duyệt dự án đầu tư.

Hiện các doanh nghiệp trong nước đang liên kết với doanh nghiệp nước ngoài để xử lý rác thải công nghiệp. Vậy việc này đang diễn ra như thế nào, thưa ông?

Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam là một thị trường có tiềm năng cho việc đầu tư các công nghệ sản xuất và giới thiệu công nghệ xanh đến với doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp Việt Nam kêu gọi một phần vốn ODA để xử lý những tác động về môi trường.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng thận trọng khi tiếp nhận các công nghệ xanh từ phía các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là những vấn đề như: Công nghệ có giá thành quá cao, không phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam…

Xin cảm ơn ông!