Gác cửa rừng, thớt nghiến vẫn chảy ngược

ThienNhien.Net – Từ tháng 05/2009, tình hình thớt nghiến xuất lậu qua các đường mòn biên giới thuộc địa bàn huyện Tràng Định, Cao Lộc và Văn Lãng (Lạng Sơn) trở nên phức tạp hơn. Theo các lực lượng chống buôn lậu ở khu vực biên giới, phần lớn thớt nghiến xuất lậu có "nguồn gốc xuất xứ" từ khu vực rừng tự nhiên giáp ranh giữa hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Kạn. Từ đây, gỗ nghiến chảy về xuôi, thớt nghiến chảy ngược sang biên giới.

Ông Bùi Văn Lượng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bình Gia (Lạng Sơn) cho biết, lượng người tiếp tay cho lâm tặc ở khu vực rừng giáp ranh mỗi ngày một nhiều hơn.

Vùng giáp ranh phần lớn là rừng núi đá vôi còn nhiều lâm sản quí, trong đó cây gỗ nghiến có độ tuổi hàng trăm năm đã và đang là mục tiêu của bọn lâm tặc. Tuy nhiên, địa hình của rừng núi đá phức tạp, diện tích rộng lớn và xa dân nên không thể tổ chức giao khoán đến hộ mà chỉ giao cho các thôn, bản nhưng lại không có sự hỗ trợ về kinh phí nên hiệu quả quản lý, bảo vệ là không cao.

Ông Lượng cũng cho biết, lâm tặc ở tứ xứ kéo đến khu vực này mỗi năm một đông, đời sống của người dân trong vùng còn khó khăn, tham gia vận chuyển lâm sản trái phép thu lời hàng trăm nghìn đồng/ngày nên hành vi tiếp tay cho bọn buôn lậu thêm phức tạp.

Các biện pháp như tuyên truyền, ký cam kết, truy quét, chốt chặn cửa rừng, ngăn chặn nạn vận chuyển lâm sản trên các tuyến đường trọng yếu thường xuyên được các lực lượng kiểm soát liên ngành huyện Bình Gia áp dụng nhưng hiệu quả chưa cao nên vấn nạn này vẫn phức tạp, đáng báo động.

Cuối năm 2008, huyện Bình Gia phối hợp với huyện Na Rì mở đợt truy quét, đấu tranh với tình hình khai thác trái phép lâm sản trong rừng giáp ranh nhưng chỉ duy trì được 4 tháng mùa khô. Hiện nay, huyện vẫn duy trì hai Đội kiểm soát liên ngành chốt chặn tại cửa rừng trọng yếu để khống chế, giảm thiểu nạn khai thác rừng trái phép.