Làm giàu từ cây luồng trên vùng đất khó

ThienNhien.Net – Giờ đây, việc phát triển kinh tế hộ mang lại thu nhập 60 – 70 triệu đồng/năm đối với bà con vùng đồng bằng không còn là khó. Tuy nhiên, với khu vực miền núi-nơi tiềm năng kinh tế luôn bị che lấp bởi đồi núi điệp trùng, giao thông cách trở, cùng bao khó khăn về vốn, kiến thức của đồng bào dân tộc thiểu số thì mức thu nhập này lại là cả một nỗ lực lớn. Ông Hà Văn Hiển, dân tộc Mường, ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá chính là một trong những người biết biến tiềm năng đất đai, núi rừng quê hương thành vùng phát triển kinh tế, đem lại hiệu quả rõ rệt.

Những người dân ở thôn Chênh, xã Ái Thượng còn nhớ, trang trại rừng của ông Hiển vốn là mảnh đất sau thời kỳ nương rẫy, đầy gai góc và bụi rậm. Năm 1994, từ khi thực hiện Nghị định 02 CP của Chính phủ về giao đất, giao rừng ổn định cho nông dân sản xuất, ông Hiển bàn với vợ mạnh dạn nhận 10 ha đồi núi trọc để phát triển sản xuất. Lúc ấy vốn liếng của vợ chồng ông không có nhiều, lại không biết phát triển kinh tế như thế nào để phát huy được tiềm năng của đất đai. Với suy nghĩ rằng thế mạnh của đất rừng Bá Thước, không gì bằng cây luồng. Hơn nữa, ở thời nào cây luồng cũng luôn luôn giữ được giá trị ổn định trên thị trường, không lo khâu tiêu thụ. Bởi vậy, ông Hiển quyết tâm đầu tư vốn, công sức để trồng luồng. Do cách nhân giống tốt, thâm canh đúng kỹ thuật, chỉ sau 3 năm, lứa luồng đầu tiên thu hoạch đã mang lại cho gia đình ông một nguồn thu đáng kể.

Với số tiền đó, ông Hiển tiếp tục đầu tư tái sản xuất. Trên 10 ha được giao khoán, ông huy động gia đình cải tạo thành ruộng trồng lúa nước, nương ngô, sắn, mùa nào cũng có sản phẩm cho thu hoạch. Khi 10 ha đồi rừng từ chỗ cằn cỗi, um tùm cỏ mọc đã được phủ màu xanh tươi mát của 3.000 bụi luồng thì ông Hiển nghĩ ngay tới việc đầu tư chăn nuôi đại gia súc.

Cũng với cách lấy ngắn nuôi dài, từ chỗ ban đầu chỉ có 3 con bò giống, đến nay ông đã nhân lên 15 con. Ông kết hợp vừa chăn thả đàn bò dưới tán rừng, vừa nuôi nhốt để tiện kiểm soát dịch bệnh và có điều kiện chăm sóc khi mùa đông đến. Nhờ vậy, đàn gia súc của gia đình ông sinh sản rất tốt, có thời điểm cao nhất lên tới 22 con. Ông Hiển còn nuôi thêm ngan, vịt, gà thả vườn theo kiểu bán chăn thả. Như thế, dàn gia cầm có môi trường kiếm ăn tự nhiên trong trang trại, kết hợp tận dụng triệt nhiều sản phẩm và phụ phẩm trong trang trại như ngô, sắn,… Nhờ cách làm này mà tất cả các loại cây, con ông Hiển đầu tư đều có lãi, bình quân thu lãi trên 50 triệu đồng/năm.

Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế gia đình, ông Hiển còn tích cực tham gia công tác xã hội.Với vai trò là Bí thư chi bộ của thôn, ông đã vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác vườn, đồi. Đối với những hộ quá khó khăn, những khi giáp hạt thường được ông chia sẻ lương thực. Nhờ đó, ông tạo được niềm tin cho bà con, giúp nhiều hộ gia đình xoá được đói, giảm được nghèo. Với những thành tích đã đạt được, ông Hiển đã vinh dự được Hội Nông dân Việt Nam trao tặng Bằng khen gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi và còn nhiều Giấy khen của các cấp, các ngành trao tặng.

Từ một hộ nghèo ở khu vực miền núi nhưng với ý chí, nghị lực của một cựu chiến binh, biết vận dụng sáng tạo tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, gia đình ông Hà Văn Hiển không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, giúp đỡ được nhiều hộ gia đình khác học tập, làm theo. Mô hình sản xuất của gia đình ông rất đáng được bà con vùng cao tham khảo và học tập, nhân rộng để xoá đói, giảm nghèo trên chính mảnh đất quê hương mình.