Nhà khoa học đam mê những cánh đồng

ThienNhien.Net – Nhìn bước chân thoăn thoát đi trên cánh đồng lúa, dáng dấp nhanh nhẹn, giản dị, miệng cười tươi tắn, nhiệt tình giới thiệu với các đại biểu giống lúa lai hai dòng mới TH3-5 vừa được chọn tạo và khảo nghiệm thành công, không ai nghĩ bà đã ở tuổi 67 và là tác giả của nhiều giống lúa lai nổi tiếng đang được nông dân cả nước gieo trồng, cho năng suất và chất lượng cao. Bà chính là Phó giáo sư Nguyễn Thị Trâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp (Trường Đại học Nông nghiệp1 Hà Nội) – người được đồng nghiệp, học trò và cả bà con nông dân mệnh danh là suốt đời đam mê những cánh đồng và những bông lúa vàng.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Thái Nguyên, từ năm 1968 cho đến năm 2004( thời điểm về nghỉ hưu), Phó Giáo sư Nguyễn Thị Trâm đã trải qua nhiều cương vị công tác: cán bộ Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, giảng viên Bộ môn Di truyền chọn giống của khoa Nông học, trường Đại học nông nghiệp 1 và là Phó Viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp (thuộc trường Đại học Nông nghiệp 1). Ở bất kỳ vị trí công tác nào, bà Trâm cũng thể hiện niềm đam mê chọn tạo các giống lúa 100% Việt Nam, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và cả tập quán canh tác của người nông dân ở đất nước mình.

Bà đã từng cùng đồng nghiệp chọn tạo thành công hàng loạt giống lúa như NN 8-388, NN23,NN9,NN10, NN75-6, nếp thơm 44, TH3,TH3-3…Tất cả các giống lúa này đều đã được công nhận là giống lúa quốc gia và đã được trồng phổ biến ở Việt Nam. Riêng với giống lúa lai hai dòng mới nhất ở Việt Nam vừa chính thức được bà và các cộng sự ở Viện Sinh học chọn tạo và khảo nghiệm thành công.

Phó Giáo sư Nguyễn Thị Trâm cho biết, mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, được đem những giống lúa mới của mình đến với người nông dân, được trực tiếp lội ruộng, nâng niu những bông lúa vàng óng vẫn nguyên vẹn trong bà .Trong bối cảnh hiện nay, diện tích đất trồng lúa ở nhiều địa phương ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho khu công nghiệp, khu đô thị, đường xá.. , việc nâng cao năng suất lúa bằng việc sử dụng các giống lúa lai, năng suất cao để bảo đảm an ninh lương thực càng trở nên cần thiết.

Chính vì vậy, từ năm 2004 đến nay, măc dù đã nghỉ hưu song Phó Giáo sư Nguyễn Thị Trâm vẫn cùng các cộng sự ở Viện Sinh học nông nghiệp miệt mài nghiên cứu, chọn tạo và khảo nghiệm để cho ra đời giống lúa lai hai dòng mới mang tên TH 3-5. Qua quá trình trồng khảo nghiệm tại các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… giống lúa lai này đã cho năng suất từ 6- 8,5 tấn/ha, cây cứng, khả năng chịu rét và chống đổ tốt,hạt gạo cho cơm trắng có vị ngon, mềm, đậm đã. Hiện, Viện Sinh học Nông nghiệp đang tiến hành các thủ tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đây là giống lúa Quốc gia và đưa vào trồng rộng rãi trong thời gian tới.

Luôn nở nụ cười tươi tắn và sẵn sàng thuyết trình say sưa, bất kể thời gian về các giống lúa mới khiến cho người đối diện cảm tưởng công việc nghiên cứu và chọn tạo các giống lúa lai 100% Việt Nam của bà và các cộng sự thật dễ dàng. Nhưng, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Trâm tâm sự: “Nghề của chúng tôi, làm khoa học nhưng phải chân lấm tay bùn như nông dân thực thụ và phải thật kiên trì, tỉ mỉ; đặc biệt là phải có tâm huyết, nghĩa là vào phòng thí nghiệm hay ra đến đồng ruộng, đều phải thấy mê say thì mới thành công được. Chỉ một việc nhỏ, đơn giản nhất như đếm số hạt lúa trên mỗi bông lúa trong quá trình chọn tạo, nếu không có sự cẩn thận và say mê là sẽ dẫn đến kết quả không chính xác, thiếu thuyết phục ngay”.

Cả một đời say mê nghiên cứu các giống lúa mới, Phó giáo sư Nguyễn Thị Trâm đã được trao giải thưởng Kavalepskaia, Bằng tác giả sáng chế, Giải thưởng của Nhà nước về khoa học và công nghệ…Song, bà cho biết: “Tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để sớm cho ra đời các giống lúa lai mới, phù hợp với đồng đất và người nông dân Việt Nam. Đôi chân này chừng nào còn bước được, tôi vẫn tiếp tục xuống đồng ruộng để góp phần làm nên những mùa vàng bội thu”.