Thụy Sĩ tranh cãi gay gắt trong ngày bỏ phiếu cấm thuốc trừ sâu

Công dân Thụy Sĩ đang bắt đầu tiến hành cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý để có thể trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới cấm thuốc trừ sâu tổng hợp.

Thụy Sĩ được đánh giá là quốc gia vẫn duy trì được hệ tài nguyên thiên nhiên nguyên sơ. (Ảnh: DW)
Martin Haab, chủ tịch Hiệp hội Nông dân Zurich thì cho biết: “Đơn giản bạn sẽ nhìn thấy có rất nhiều người, đặc biệt là ở các thành phố, họ thậm chí còn không biết nông nghiệp có nghĩa là gì. Cho nên đừng vì vườn của họ có hai cây cà chua trồng ngay trước cửa sổ để nghĩ rằng họ hiểu nông nghiệp và biết cách làm nông nghiệp hữu cơ”.

Theo đó hai sáng kiến ​​vừa được đề xuất nhằm tiến đến chấm dứt trợ cấp cho những nông dân sử dụng thuốc trừ sâu, và một sáng kiến ​​khác sẽ cấm tiệt sử dụng thuốc trừ sâu tổng hợp trong vòng 10 năm tới.

Phía những người ủng hộ trong nước thì chỉ ra mức độ đáng lo ngại của thuốc trừ sâu trong nông nghiệp và gây ra những thiệt hại đối với hệ thực vật, động vật và côn trùng. Tuy nhiên nông dân Thụy Sĩ thì lên tiếng cảnh báo rằng, các đề xuất này sẽ đẩy đa số người dân vào chỗ chết, buộc phải ngừng sản xuất, kinh doanh bởi thuốc trừ sâu là các tác nhân hóa học hoặc sinh học được sử dụng để kiểm soát dịch hại.

Cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về thuốc trừ sâu diễn ra vào Chủ nhật diễn ra cùng thời điểm với các dự luật khác gồm: luật chống khủng bố, thuế mới đối với nhiên liệu hóa thạch và tài trợ khẩn cấp do đại dịch Covid-19.

Theo BBC, hệ thống dân chủ trực tiếp của Thụy Sĩ có nghĩa là tất cả các quyết định lớn ở quốc gia nhỏ bé châu Âu bên dãy Alpine đều được thực hiện tại thùng phiếu. Các nhà vận động chỉ cần thu thập đủ 100.000 chữ ký để đảm bảo một cuộc bỏ phiếu trên toàn quốc.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin những cuộc tranh luận sâu sẽ còn kéo dài bởi giả sử sáng kiến cấm thuốc trừ sâu tổng hợp được thông qua sẽ có những tác động sâu rộng đến nhiều khu vực trên thế giới. Ngoài ra, khi điều đó xảy ra nó còn mang ý nghĩa toàn cầu lớn hơn nhiều đối với lệnh cấm của Bhutan hồi năm 2013, bởi vì Thụy Sĩ là quê hương của nhà sản xuất thuốc trừ sâu lớn nhất thế giới, Syngenta.

“Tôi sẽ bỏ phiếu ‘Có’ – chúng ta phải nghĩ về tương lai. Thuốc trừ sâu gây hại cho sức khỏe của chúng ta”, Marie Lenbaus, cư dân thủ đô Geneva tuyên bố, đồng thời cho biết cả hai đề xuất đều nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các cử tri trẻ khu vực đô thị.

Trong khi đó nông dân Thụy Sĩ cho biết, đến nay họ đã tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt nhất ở châu Âu, đồng thời than thở sự mất ​​việc làm và sa sút thu nhập của mình từ hành động trên trong suốt 20 năm qua. “Thậm chí giờ đây nhiều nông dân đang rất tức giận”, Imogen Foulkes sinh sống tại thành phố Bern nói với BBC.

Theo giới quan sát, các cuộc vận động hành lang liên quan đến nông nghiệp của Thụy Sĩ rất mạnh mẽ và các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy phe chống vẫn có thể có nhiều lợi thế hơn. Nhưng ngay cả khi các cử tri bác bỏ lệnh cấm, cuộc tranh luận về thuốc trừ sâu này vẫn còn diễn ra gay gắt tới mức nó sẽ không biến mất. Mọi người đều đồng ý rằng, môi trường nguyên sơ của đất nước cần phải được bảo vệ – họ chỉ không đồng ý về cách thức.