WWF ra mắt cuốn sách đầu tiên về các loài mây vùng Mê Kông

ThienNhien.Net – WWF và Vườn thực vật New York, ngày 19-2, đã phát hành một cuốn sách về 65 loài mây sống tại Việt Nam, Lào và Campuchia, trong đó có hai loài đặc hữu của Campuchia vừa mới được phát hiện.

Cuốn sách “Hệ thống, sinh thái và quản lý mây tại Campuchia, Lào và Việt Nam – căn cứ sinh học để sử dụng bền vững” là kết quả của quá trình tám năm nghiên cứu và đánh giá các quy trình quản lý về hướng dẫn quản lý và sử dụng mây bền vững tại ba nước.

Khai thác mây ồ ạt sẽ khiến loài này có nguy cơ tuyệt chủng
Khai thác mây ồ ạt sẽ khiến loài này có nguy cơ tuyệt chủng

Mây là một trong những sản phẩm lâm sản ngoài gỗ quan trọng nhất tại tiểu vùng sông Mê Công mở rộng. Rất nhiều loài mây đang được sử dụng để hỗ trợ sinh kế cho người dân địa phương như thức ăn, vật liệu xây dựng, nhà ở, các sản phẩm có giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, các hoạt động chuyển đổi rừng và thu hoạch không bền vững đã dẫn tới sự sụt giảm nghiêm trọng sản lượng mây, đe dọa tới sự phát triển và sự bền vững của ngành công nghiệp khai thác mây trong khu vực.

Cuốn sách, đã có phiên bản tiếng Anh, Campuchia, Lào với phiên bản tiếng Việt sẽ ra mắt vào cuối tháng 4, ra đời với mục đích giúp các nhà nghiên cứu và những ai làm việc trong ngành khai thác mây có thể nhận dạng các loài mây, cách đạt được sản lượng tối đa và sản xuất bền vững các nguồn mây. Cuốn sách cũng bao gồm các bài học kinh nghiệm, từ khâu lên kế hoạch quản lý và chế biến bền vững cho đến chính sách xuất khẩu.

“Chưa từng có cuốn sách nào trên thế giới tập hợp những nghiên cứu toàn diện nhất về các loài mây như cuốn sách này,” đồng tác giả cuốn sách TS Charles M. Peters, Cán bộ quản lý Thực vật học của The New York Botanical Garden, đồng thời là tác giả đứng đầu về quản lý rừng nhiệt đới, cho biết.

“Điều đặc biệt ở cuốn sách đó là nó thể hiện được các vấn đề sinh thái, phân loại và lâm sinh của một nguồn tài nguyên rừng quý báu. Quan trọng nhất, chúng tôi muốn mọi người hiểu rằng chúng ta không thể thu hoạch bền vững nếu như khai thác mây hàng năm vượt mức tăng trưởng hàng năm của cây mây có ở trong rừng.”

Đồng tác giả với Ts. Peters là Ts. Andrew J. Henderson, Cán bộ phụ trách họ cọ tại The Botanical Garden, một tác giả hàng đầu về hệ thống, phân loại và sinh học của họ cọ, trong đó bao gồm cả loài mây. Trong quá trình nghiên cứu thực địa cho dự án này, ông đã phát hiện và đặt tên cho hai loài mây mới của Campuchia.